(HNMO) - Từ ngày 16 đến 17-7, khả năng khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục xảy ra đợt mưa lớn. Trong khi đó, mực nước các hồ Sơn La, Hòa Bình hiện nay đã xấp xỉ mực nước phải điều hành và có thể phải xả lũ trong những ngày tới.
Tại cuộc họp, nhiều địa phương lo ngại trước thông tin Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định, từ ngày 16 đến 17-7, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục xảy ra đợt mưa lớn. Trong khi đó, mực nước các hồ Sơn La, Hòa Bình hiện nay đã xấp xỉ mực nước phải điều hành và có thể phải xả lũ trong những ngày tới. Khi hồ thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy, mực nước sông Hồng tại Hà Nội có thể đạt mức 6-6,4m; mở 2 cửa, mực nước là 7-7,4m; mở 3 cửa, mực nước là 7,6-8,3m; mở 4 cửa, mực nước là 8,4-9m, tương đương mức báo động số 1.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đỗ Đức Thịnh: Hà Nội hiện có số lượng lớn dân cư sinh sống ngoài đê, cùng với đó là rất nhiều tài sản trên lòng sông, bãi sông… Nếu tính toán không kỹ lưỡng về thời gian và cao trình mở cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình thì sẽ gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhân dân. Thực tế từ năm 2011 đến nay, hồ Hòa Bình chưa mở cửa đáy, tuyến đê sông Hồng dù đã được đầu tư, tu bổ nhưng chưa qua thử thách lũ lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Đặc biệt hiện nay, nhiều người dân, thậm chí là một số lãnh đạo chính quyền cơ sở, còn tâm lý chủ quan trong ứng phó với thiên tai. Vì vậy, nếu xảy ra tình huống mở cửa đáy hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Ban Chỉ đạo cần thông báo ít nhất là trước 2 giờ để các địa phương triển khai giải pháp ứng phó; nên xả từng cửa để cảnh báo, không nên mở đồng loạt nhiều cửa; không nên dự kiến xả nhưng không xả và ngược lại, tránh tạo nên tâm lý chủ quan trong nhân dân.
Đồng quan điểm với đại diện thành phố Hà Nội, nhiều ý khác đề nghị Ban Chỉ đạo không yêu cầu các chủ đầu tư hồ chứa thủy điện mở cửa xả vào ban đêm và cần thông báo trước cho các địa phương… Theo thông tin của Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, hiện mực nước các sông vùng hạ lưu sông Hồng vẫn ở mức thấp nên các hồ chứa thủy điện hoàn chủ động vận hành.
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin để các cơ quan liên quan chủ động triển khai phương án ứng phó. Các địa phương cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền để chính quyền và người dân không chủ quan, chủ động các biện pháp ứng phó thiên tai khi hồ thủy điện mở cửa xả đáy. Ban Chỉ đạo sẽ vận dụng linh hoạt quy trình vận hành liên hồ chứa, khi nào thực sự cần thiết mới lệnh mở cửa xả đáy và sẽ thông báo sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.