Góc nhìn

Chủ động từ sớm, từ xa

Bắc Vũ 04/10/2023 - 06:15

Các chỉ số về kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến thị trường hàng hóa đến thời điểm này tiếp tục có nhiều yếu tố thuận lợi. Theo đó, kinh tế vĩ mô 9 tháng tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Đáng chú ý, nước ta vẫn giữ mức tăng trưởng bán lẻ khá tốt, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,4%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tầm kiểm soát khi bình quân 9 tháng qua tăng 3,16%.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới đều chậm, lạm phát tại nhiều nước vẫn tăng cao, thì mức tăng trưởng bán lẻ cũng như chỉ số CPI trong tầm kiểm soát của nước ta là những chỉ dấu thuận lợi để chúng ta tiếp tục bảo đảm nguồn cung - cầu hàng hóa, nông sản, thực phẩm cho thị trường từ nay đến cuối năm.

Với yếu tố nền tảng là kinh tế ổn định, cùng với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã bắt đầu có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, nông sản, thực phẩm phục vụ cho thị trường cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2024.

Tại Hà Nội, một trong những giải pháp quan trọng được thực hiện hiệu quả là thành phố tiếp tục tăng cường kết nối cung - cầu, giao thương, đưa hàng hóa của các địa phương trên cả nước vào thị trường Thủ đô. Thành phố cũng theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các loại nông sản, thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất và thương mại để vừa chủ động cung ứng nguồn hàng, vừa giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa bảo đảm chất lượng.

Dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu hàng hóa tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là ngành Nông nghiệp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, cung ứng đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng, địa phương cần theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại…

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí nhằm duy trì sản xuất ổn định; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

Các bên liên quan cùng chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh từ sớm, từ xa sẽ góp phần bảo đảm thị trường hàng hóa cuối năm phát triển ổn định, lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động từ sớm, từ xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.