Mưa lũ những ngày qua khiến cho việc lưu thông tại các vùng núi trở nên nguy hiểm. Cụ thể, tại đường liên xã Hang Kia - Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, một lượng đất đá lớn trên núi đã lở xuống đường, cản trở giao thông. Tại huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) xuất hiện sạt lở gây tắc đường, xe ô tô không đi được...
Trước đó (sáng 4-8), cơn mưa lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng ở khu vực xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khiến nhiều ô tô bị bùn, đất vùi lấp ngang thân, ước tính thiệt hại là không nhỏ. Còn tại Lâm Đồng, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh gây sạt lở đất, đá tại đèo Bảo Lộc, ngày 30-7, khiến 3 Cảnh sát giao thông hy sinh, một người dân tử vong...
Rõ ràng, sạt lở đất, lũ quét là loại hình thiên tai nguy hiểm, diễn ra rất nhanh, bất ngờ, thường gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân. Sạt lở đất, lũ quét xuất hiện sau những cơn mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Bên cạnh đó, việc con người phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên (phá rừng, khai thác khoáng sản...) cũng đã tác động đến tiến trình phong hóa trên sườn dốc đồi, núi. Hậu quả, mỗi năm, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xuất hiện với tần suất và mức độ tàn phá ngày càng cao.
Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tác động xấu đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để giảm thiểu rủi ro do thiên tai nói chung và sạt lở đất, lũ quét nói riêng, nước ta đã ban hành nhiều luật, chính sách, chương trình, chính sách phòng, chống như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Lâm nghiệp; Luật Bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng cũng thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống lũ quét và sạt lở đất như hỗ trợ trang thiết bị cảnh báo cho các địa phương có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất... Qua đó, đã hạn chế phần nào thiệt hại về người và tài sản do lũ quét và sạt lở đất gây ra, góp phần ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Hiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, hơn bao giờ hết, công tác phòng, chống loại hình này cần được đặc biệt coi trọng. Cụ thể là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống sạt lở đất, lũ quét, trọng tâm là Công điện số 607/CĐ-TTg, ngày 1-7-2023, của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão.
Đặc biệt là cần triển khai “lực lượng rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập trên địa bàn...” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 725/CĐ-TTg về yêu cầu tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất...
Dự báo, các tỉnh miền Bắc từ nay đến hết ngày 8-8 có khả năng xảy ra đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Nguy cơ những sự cố sạt lở đất, lũ quét vẫn treo lơ lửng. Lũ quét, sạt lở đất không chỉ gây hậu quả to lớn, lâu dài về người, tài sản mà còn làm suy giảm sự phát triển của đất nước.
Vì vậy, chúng ta cần sớm rà soát lại khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách, đưa ra các nhóm giải pháp tổng thể cho công tác phòng, chống thiên tai; chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp; nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình mưa bão, lũ ống, sạt lở đất, nhất là dự báo ngắn, dự báo theo vùng một cách chính xác, kịp thời. Các địa phương cần ưu tiên bố trí ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm hoạt động phòng, chống thiên tai được triển khai hiệu quả, nhất là trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất...
Chủ động biện pháp phòng, tránh, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, người dân, chúng ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.