Góc nhìn

Chủ động phòng tránh rét đậm, rét hại

Bắc Vũ 23/01/2024 - 07:06

Người dân Thủ đô và các tỉnh phía Bắc đang trải qua những ngày rét nhất của mùa đông năm nay, khi nhiệt độ giảm tới ngưỡng rét đậm, rét hại.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, nhiệt độ thấp nhất ở miền Bắc trong những ngày này phổ biến 7-10 độ C, vùng núi miền Bắc 3-6 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C; khu vực Bắc Trung Bộ 9-11 độ C. Đợt rét đậm, rét hại này tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc kéo dài đến khoảng ngày 27-1. Đáng quan ngại hơn là trong đợt không khí lạnh mạnh này, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết.

Vấn đề cần rất lưu tâm hiện nay là nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Cùng với đó, hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xuất hiện như dông, lốc, sét, gió giật mạnh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, nhất là ở khu vực vùng núi. Các hoạt động tham quan, du lịch, giao thông, học tập của học sinh có thể gặp nguy hiểm… Rét đậm, rét hại cũng sẽ tác động không tốt tới đàn vật nuôi và quá trình sinh trưởng của cây trồng…

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về rét đậm, rét hại và tình hình thực tế tại địa phương để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân chủ động phòng tránh, bảo đảm sức khỏe người dân khi nhiệt độ xuống thấp.

Những vấn đề cần hết sức lưu ý là chính quyền các địa phương phải tập trung hướng dẫn người dân cách phòng tránh rét; không dùng bếp than đá, đốt củi sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người; đặc biệt chú ý chăm lo bảo vệ sức khỏe trong diễn biến thời tiết khắc nghiệt cho người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế...

Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương, cơ quan chức năng cần chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định của ngành Giáo dục.

Các nhà trường không tổ chức hoạt động ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; tăng cường kiểm tra và sửa chữa kịp thời cửa các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Trong điều kiện thời tiết cụ thể, các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học để học sinh không phải đến trường quá sớm.

Cùng với đó, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kịp thời thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch, cảnh báo nguy cơ xảy ra băng giá, trơn trượt để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là ở khu vực miền núi.

Thời điểm này, nông dân các địa phương đang tập trung cho vụ sản xuất cuối năm phục vụ Tết Nguyên đán. Do vậy, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng vụ đông xuân.

Trong điều kiện rét đậm, rét hại, người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Theo đó, mỗi người cần chú ý giữ ấm cho cơ thể, nhất là người già và trẻ em.

Đặc biệt, người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương; trong trường hợp gặp hiện tượng thời tiết bất thường cần tìm nơi tránh trú an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng tránh rét đậm, rét hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.