Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng ngừa - bớt phải lo

Thu Trang| 06/08/2018 07:06

(HNMO) - Trong 3 tuần qua, số ca mắc sởi, tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng và có diễn biến bất thường đáng lo ngại, trung bình mỗi tuần ghi nhận 15-18 ca sởi và 40-60 ca tay chân miệng.


Ghi nhận nhiều ca nặng

Hiện nay, Khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đang điều trị cho 8 bệnh nhi mắc sởi trong tổng số 120 ca mắc được ghi nhận tại đây kể từ đầu năm 2018 - cao gấp 4 lần so với năm 2017. Riêng 2 tuần qua, hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhi mắc sởi; cao điểm có tuần khoa điều trị cho 14-15 ca.

Điều đáng nói là số ca mắc sởi được ghi nhận trong năm 2018 nặng hơn mức trung bình các năm; nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy CPAP, thậm chí dùng thuốc tăng đề kháng, chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng/trường hợp.

Khám, chữa bệnh sởi ở Bệnh viện Nhi trung ương.


Cách đây hơn một tuần, bé Đ.M.P (9 tháng tuổi, ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) sốt cao, ho nhiều. Khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bé P được chỉ định nhập viện điều trị cách ly vì kết quả chẩn đoán dương tính với sởi và có dấu hiệu bội nhiễm. Do bệnh nặng, sức đề kháng kém, bé P phải thở máy, được chỉ định dùng thuốc Gama globulin - một loại thuốc tạo miễn dịch chủ động trong cơ thể làm tăng sức đề kháng. Đây là trường hợp nặng nhất từ đầu năm đến nay được các bác sĩ chỉ định sử dụng loại thuốc này. May mắn là sức khoẻ của bé tiến triển tốt và khoảng 10 ngày nữa thì P có thể xuất viện.

Không chỉ “chiến đấu” với bệnh sởi, các bệnh viện đang phải đối phó với sự gia tăng số lượng bệnh nhân tay chân miệng. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, phụ trách Khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận hơn 300 ca tay chân miệng. Năm nay, số bệnh nhân tay chân miệng nặng cao hơn nhiều so với các năm trước, có trường hợp khi vào viện đã có biến chứng thần kinh, tim, phải thở ôxy, dùng thuốc an thần đường tiêm.

Ghi nhận trực quan cho thấy, nếu các năm trước chỉ có khoảng 0,5-1% số bệnh nhi phải dùng thuốc Gama globulin thì năm nay, tỷ lệ này lên tới 40%. Loại thuốc này có giá rất đắt, khoảng 5,5-6 triệu đồng/lọ; nhiều ca nặng phải dùng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng tiền thuốc Gama globulin.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, biến chứng hay gặp ở bệnh nhân tay chân miệng là phù phổi, suy hô hấp cấp, biến chứng viêm cơ tim, sốc tim, biến chứng thần kinh do viêm não. Sau vài năm, năm nay, Bệnh viện Nhi trung ương mới lại tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng bị biến chứng nguy kịch, phải thở máy, lọc máu do nhiễm vi rút EV71 (type vi rút gây biến chứng nguy hiểm).

Chủ động phòng bệnh lây lan

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 1.100 trường hợp mắc tay chân miệng và hơn 270 trường hợp mắc sởi. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, có những trường hợp bạn bè cùng lớp hay anh em cùng một nhà đều mắc bệnh sởi. Đa số bệnh nhi vào điều trị chưa được tiêm vắc xin phòng sởi đủ liều. Có những bé đã 6-8 tuổi nhưng vì chưa được tiêm vắc xin nên vẫn mắc bệnh này. Vì vậy, vấn đề phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện cũng như ngoài cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Tiêm chủng đầy đủ, đúng quy trình là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ.


Về bệnh tay chân miệng, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh xuất hiện quanh năm, dễ lây lan nhanh và bùng phát thành dịch. Tại Khoa Truyền nhiễm, số lượng người nhà vào thăm bệnh nhân rất đông nhưng ít người rửa tay trước khi ra khỏi phòng bệnh. Bởi vậy, họ có thể trở thành tác nhân khiến bệnh từ bệnh viện lan ra cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, với người chưa có miễn dịch sởi, chưa được tiêm phòng thì khi tiếp xúc với nguồn bệnh, tỷ lệ mắc bệnh gần như là 100%. Vì vậy, người dân cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho cả mẹ và con.

Với bệnh tay chân miệng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh để khoanh vùng xử lý, không để dịch lan rộng. Đặc biệt, để phòng bệnh tay chân miệng, trẻ nhỏ cần được nâng cao sức đề kháng và các nhà trẻ, mẫu giáo cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa trẻ đến cơ sở y tế. Các gia đình không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo. Với bệnh tay chân miệng, triệu chứng bệnh ở trẻ là sốt và mọc mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối... Ngoài ra, có ba dấu hiệu sớm cảnh báo diễn biến nặng của bệnh: Trẻ quấy khóc nhiều, sốt cao kéo dài hơn 48 giờ nhưng không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol và bị giật mình liên tục.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa - bớt phải lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.