(HNM) - Với đặc thù sông, kênh, rạch chằng chịt và triều cường hàng ngày, thành phố Hồ Chí Minh luôn phải chống chọi với tình trạng sạt lở. Hiện thành phố đang khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở trước mùa mưa bão năm nay.
Bà Phạm Thị Hòa (ngụ tại phường 27, quận Bình Thạnh) cho biết, hàng trăm hộ dân sống dọc bờ tả kênh Thanh Đa luôn thấp thỏm bởi khúc kênh này có dòng chảy mạnh và triều cường hàng ngày. “Trước đây, bờ kênh Thanh Đa từng xảy ra sạt lở, cuốn trôi gần chục căn nhà. Hiện tại, địa phương vẫn chưa xây dựng bờ kè kiên cố nên người dân không có giấc ngủ yên”, bà Hòa lo lắng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn tồn tại gần 40 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Các khu vực như bờ hữu rạch Tra (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), bờ hữu rạch Bàu Le (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), bờ hữu sông Chợ Đệm (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), khu vực đường Trần Ngọc Diện (phường Thảo Điền, quận 2)… đang được các cơ quan chức năng đưa vào danh sách theo dõi sạt lở.
Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, quá trình đô thị hóa của thành phố diễn ra rất nhanh cộng với tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, hồ công cộng trái phép chưa được kiểm soát chặt chẽ đã làm thu hẹp, biến đổi dòng chảy... dẫn đến sạt lở.
Hiện nay, công tác phòng, chống sạt lở đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do chậm giải phóng mặt bằng. Đơn cử, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) - một trong những dự án chống sạt lở trọng điểm của thành phố đã bị chậm tiến độ 2 năm nay. Bên cạnh đó, dự án đê bao bờ tả ven sông Sài Gòn; dự án chống sạt lở tại các quận, huyện; dự án cống kiểm soát triều thuộc dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh cũng đang chậm tiến độ do ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng.
Đối với dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh đang khẩn trương lập các thủ tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ người dân. Dự kiến, chậm nhất quý IV-2019 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng, các hạng mục quan trọng của dự án phấn đấu hoàn thành trong 8 tháng tới.
Nhằm giảm nguy cơ sạt lở, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành phân loại mức độ sạt lở tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp phòng, chống... Thành phố cũng yêu cầu các chủ bến bãi cam kết thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển, tránh gây sạt lở do việc lưu thông và neo đậu của các phương tiện vận chuyển vật liệu.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị người đứng đầu UBND các quận 2, 7, 8, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi chịu trách nhiệm kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kè kiên cố chống sạt lở, ưu tiên bố trí vốn thực hiện tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao.
“Thành phố yêu cầu các địa phương có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm như quận 2, huyện Nhà Bè, Bình Chánh phải sớm bàn giao mặt bằng để thi công công trình chống sạt lở, không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Công tác chỉ đạo cũng như phương án ứng phó đã được các cấp, các ngành đưa ra nhưng phải cảnh giác cao độ, phòng là chính, không để xảy ra rồi mới ứng phó”, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.