(HNM) - Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối các cơ quan TƯ và Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) vừa tổ chức hội thảo khoa học
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trên hành trình gần 83 năm ra đời, trưởng thành, lớn mạnh và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, hơn 67 năm gìn giữ và xây dựng, chính quyền cách mạng của nhân dân, Đảng ta, dân tộc ta đã đối mặt và chiến thắng đủ loại thù trong, giặc ngoài. Dù vậy, tất cả những kẻ thù ấy đều không đáng sợ, vì chúng thường hiện nguyên hình. Nhưng nhiều năm qua, và nhất là hiện nay, kẻ thù đáng sợ nhất, khó chiến thắng nhất lại chính là "giặc nội xâm".
Những loại "kẻ thù" này nằm lẩn khuất giữa đội ngũ, rình rập trong chính mỗi người. Chúng biến ảo khôn lường trong chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tư tưởng thực dụng, an phận… được ngụy trang, trá hình dưới muôn vàn màu sắc. Những giặc nội xâm, những căn bệnh "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ấy đang tiềm tàng và hiện hình ngay trong không ít cán bộ, đảng viên hiện nay. Đây chính là những nguy cơ tự tan vỡ từ bên trong. Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu cơ bản do không ngăn chặn kịp thời nguy cơ "tự diễn biến", dẫn tới "tự chuyển hóa" chế độ chính trị.
Theo Đại tá, PGS.TS Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, "tự diễn biến" là quá trình thẩm thấu qua từng ngày, từng hoạt động, còn "tự chuyển hóa" là đích đến, là hệ quả của "tự diễn biến". Hai căn bệnh này có thể diễn ra với 3 giai đoạn, ứng với 3 mức độ. Ở giai đoạn ban đầu, đối tượng thể hiện sự hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, sự hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, tính khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Giai đoạn hai, đối tượng bắt đầu chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận điệu chống đối hoặc lý luận phản động. Biểu hiện rõ nhất là hoạt động thu thập, tổng hợp tin tức nội bộ ta, kể cả thông tin công khai nhưng nhạy cảm, nhiều thông tin bí mật nội bộ, chuyển ra nước ngoài để các thế lực thù địch sử dụng vào hoạt động chống lại Nhà nước. Giai đoạn ba, đối tượng hoàn toàn có tư tưởng phản động chống đối công khai.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra TƯ Mai Thế Dương cho rằng, để phòng chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có hiệu quả, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đặc biệt, phải tập trung ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đây cũng là quan điểm của Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng Nguyễn Đình Phách. Theo ông, tham nhũng là một trong các biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Do vậy, Đảng, Nhà nước phải ưu tiên tìm mọi giải pháp để thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. Trung tướng, TS Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng đề cập đến vấn đề cụ thể là phải nâng cao hiệu quả phòng chống khuynh hướng "phi chính trị hóa" Quân đội nhân dân Việt Nam, vì đây thực chất là quá trình "tự diễn biến" của bản thân quân đội, làm cho quân đội biến chất. PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TƯ nhấn mạnh, cần phải giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội. Đồng thời xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trình độ quản lý của Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật...
Thượng tướng, Viện sĩ, TSKHQS Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là mục tiêu chiến lược của "Diễn biến hòa bình" mà các thế lực thù địch đang tiến hành đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, phòng chống nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là vấn đề có ý nghĩa quyết định để làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình". Ông cho rằng, đây là nhiệm vụ cấp bách về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) đặt ra. Để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ này, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.