(HNM) - Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguy cơ cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây sang người vẫn rất lớn, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới với những quốc gia đang có dịch. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngành Nông nghiệp và các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh công tác kiểm soát gia cầm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời khuyến cáo người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) Nguyễn Đăng Thênh, xã có 4 cơ sở giết mổ gia cầm và có chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ là nơi tập trung kinh doanh, vận chuyển gia cầm lớn nhất miền Bắc, tiêu thụ khoảng 100 tấn gia cầm/ngày. Hiện, phần lớn gia cầm ở chợ được nhập từ các địa phương khác; trong khi đó, dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra, cùng với thời tiết diễn biến bất thường, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.
Còn Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng thông tin, Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, với số lượng hơn 38,5 triệu con, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao do hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm khoảng 60%), chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh. Điều đáng lo là, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, các chợ cóc, chợ tạm hoạt động tràn lan và tồn tại nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, tự phát, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, đến nay, đàn gia cầm cả nước có khoảng 523,6 triệu con, trong đó đàn gà có hơn 420 triệu con (chiếm 80%), đàn thủy cầm hơn 103 triệu con (chiếm 20%). Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 huyện của 4 tỉnh; tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy là 6.569 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 33,33%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm 71,26%. Tuy nhiên, vi rút cúm gia cầm (các chủng vi rút A/H5, như: H5N1, H5N6, H5N8,...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%). Hiện tại, việc giao thương, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm từ gia cầm trong nước gia tăng, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Do đó, có nguy cơ rất cao sẽ xuất hiện một số chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm từ gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.
Tăng cường kiểm soát lưu thông
Để phòng, chống dịch cúm gia cầm, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, để bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm, huyện yêu cầu xã Lê Lợi phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín, chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố tại chợ gia cầm Hà Vĩ trực 24/24 giờ để kiểm tra gia cầm về chợ, bắt buộc hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường, Phòng Kinh tế huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các địa phương cần thực hiện nghiêm Văn bản số 572/UBND-KTN ngày 6-3-2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để gia cầm và sản phẩm từ gia cầm mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh. Mặt khác, chủ động giám sát dịch bệnh ở những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, khu vực nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh xảy ra. Cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo.
Về chỉ đạo chung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, các tỉnh khu vực biên giới cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, yêu cầu không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật, nhất là gia cầm, sản phẩm từ gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung phòng bệnh cho đàn gia cầm; rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh cho đàn gia cầm ở nơi đang có dịch, có nguy cơ cao; lưu ý đàn vật nuôi tại khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 80% tổng đàn. Người dân cũng cần tăng cường chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm ngay từ trang trại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.