(HNM) - Hiện tại, đang là khoảng thời gian giao mùa, diễn biến thời tiết liên tục thay đổi, mặt khác quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến (chiếm khoảng 60%)... nên rất dễ bùng phát dịch bệnh, đòi hỏi người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống.
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, chỉ xảy ra lẻ tẻ một số bệnh thông thường. Trong tháng 4, đàn trâu bò của thành phố mắc bệnh tiêu chảy khoảng 4,85%/tổng đàn; còn đàn gia cầm mắc các loại bệnh như Gumboro, Newcastle, tụ huyết trùng… chiếm khoảng 0,04%/tổng đàn. Số gia súc ốm được chữa khỏi ngay, nên không gây thiệt hại về kinh tế. Dù chưa xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm, nhưng do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Hà Nội lớn, khoảng 1.000 tấn/ngày, trong khi thành phố mới chủ động được 60%, còn lại 40% phải nhập khẩu từ các tỉnh, thành phố, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Phun thuốc khử trùng tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 3 TP Hà Nội. Ảnh: Đức Nghiêm |
Ông Cấn Xuân Minh, Phó Trưởng phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y Hà Nội) cho biết, nhìn chung các huyện, thị xã thực hiện khá tốt công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, nhưng ý thức của một số hộ dân chưa cao, nên vẫn xuất hiện dịch bệnh nhỏ lẻ. Thậm chí, nhiều hộ dân khi nhập đàn mới về nuôi, nguồn gốc không rõ ràng, song chưa quan tâm tới tiêm phòng, khi có hiện tượng gia cầm ốm thì tự đi mua thuốc về chữa, tập trung chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đơn cử, trường hợp của bà Phạm Thị Vượng, hộ nuôi gia cầm ở Thanh Oai: Gia đình vừa mua khoảng 30 con gia cầm giống ở chợ về nuôi, nhưng đều không tiêm phòng vì cho rằng gia cầm vẫn khỏe và nếu tiêm sẽ tốn kém một khoản chi phí.
Lý giải về tình trạng trên, ông Hoàng Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thanh Oai thừa nhận, do chăn nuôi trên địa bàn huyện nhỏ lẻ, ngoài ra, cả xã chỉ có một cán bộ làm chăn nuôi, thú y nên chưa kiểm soát được toàn bộ các hộ dân nhập gia súc, gia cầm mới về nuôi hoặc xuất bán. Công tác chỉ đạo phòng chống dịch của cán bộ làm công tác thú y cơ sở ở các xã cũng chưa tốt. Nguyên nhân là đội ngũ cán bộ thú y xã chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kiêm nhiệm nhiều việc…
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội Đỗ Phú Sơn cho biết, hiện thời tiết ẩm đan xen nóng là môi trường thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Vì vậy, Chi cục đã yêu cầu các trạm thú y quận, huyện, thị xã thống kê đàn vật nuôi và cơ sở sản xuất - kinh doanh giống vật nuôi, giết mổ, chợ kinh doanh động vật để quản lý việc mua bán sản phẩm động vật ra vào trên địa bàn thành phố; lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đại trà đợt 1-2016 để kiểm tra hiệu quả của vắc xin; hướng dẫn người dân tiêm phòng đúng chủng loại vắc xin, đúng đối tượng gia súc, gia cầm, đúng kỹ thuật để không gây lãng phí. Mặt khác, hướng dẫn hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát trùng, tiêu độc, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; nhập các con giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho cán bộ thú y xã, thị trấn để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn thành phố.
Khắc phục một số mặt hạn chế ở cơ sở, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sóc Sơn Vương Xuân Thạch cho biết: Để nâng cao công tác phòng chống dịch, sẽ tăng cường hướng dẫn nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ thú y, nhất là trưởng ban thú y ở các xã để tham mưu cho chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh; kiểm tra đôn đốc việc tổ chức phòng chống dịch ở các xã cũng như quản lý vật tư, hóa chất, giám sát dịch bệnh để nhanh chóng phát hiện dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.