Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Ngọc Quỳnh| 27/12/2022 11:33

(HNMO) - Rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, gây ra dịch bệnh. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, các địa phương tích cực phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm...

Các hộ chăn nuôi tiêm phòng phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn

Những ngày này, nông dân huyện Ba Vì luôn có ý thức cao trong phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Theo bà Nguyễn Thị Lý ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì), gia đình đang nuôi 16 con bò thịt, đây là tài sản lớn, nên khi nhiệt độ xuống thấp, gia đình chuẩn bị bóng điện sưởi, dùng bạt che kín các ô cửa thông gió ở chuồng trại. Đặc biệt, gia đình mua thêm than củi kết hợp với tỏi, bồ kết để đốt, vừa khử khuẩn không khí, vừa tăng đề kháng cho vật nuôi.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm lớn, trong đó, đàn gia cầm khoảng 37 triệu con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn trâu bò 170 nghìn con, đàn chó mèo 430 nghìn con, đàn dê khoảng 14 nghìn con... Từ nay đến Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, dự kiến nhu cầu tăng cao nên việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra - vào Hà Nội là rất lớn. Cùng với đó, thời tiết diễn biến bất thường, lạnh và sương vào sáng sớm, ban đêm làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra dịch cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng... Mùa đông rét đậm, rét hại có thể xảy ra vào cuối tháng 12-2022 và đầu tháng 1-2023, dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến khó lường. Ngoài ra, chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vẫn chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ tiêm phòng một số nơi còn thấp nên nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh rất cao.

Nhận định về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, theo Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long, đến hết tháng 11-2022, cả nước đã phải tiêu hủy 151.232 con gia súc, gia cầm, trong đó, có 96.217 con gia cầm và 55.015 con gia súc do mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm... Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 rất cao do các loại mầm bệnh còn lưu hành ở nhiều địa phương. Cuối năm, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh, thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Một số nơi có tình trạng chủ quan, lơ là, khó khăn trong việc triển khai phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đạt tỷ lệ thấp...

Các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại khép kín để phòng, chống rét cho đàn lợn.

Tăng cường công tác phòng, chống

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các đợt rét đậm năm 2022 có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12; các ngày rét đậm, rét hại tập trung trong tháng 1, nửa đầu tháng 2 năm 2023, sẽ có nhiều đợt rét đậm kéo dài 3-5 ngày... Để giảm thiệt hại cho ngành Nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện vừa có công văn đề nghị các xã, thị trấn, các ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại để nông dân chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, chú trọng ở các xã miền núi: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình... và những nơi đã có vật nuôi bị ảnh hưởng do đói, rét trong những năm trước; đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm để hạn chế dịch bệnh phát sinh...

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm, theo Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Theo đó, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin lở mồm long móng, viêm da nổi cục...

Bên cạnh đó, các địa phương vận động mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng, không chăn thả tự do, không cho trâu bò làm việc khi xảy ra rét hại; dùng các loại chăn, áo cũ hoặc các vật liệu khác để giữ ấm; chủ động nguồn thức ăn, tăng thêm thức ăn tinh, thức ăn ủ chua hoặc rơm ủ urê, các loại muối khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, giữ trâu bò tại chuồng, không chăn thả ngoài trời.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật và tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh... Các địa phương cần khuyến cáo người chăn nuôi cập nhật diễn biến thời tiết thường xuyên, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi; củng cố, che chắn giữ ấm và bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi; chủ động dự trữ thức ăn, các loại chất khoáng, vitamin thiết yếu và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi nhằm giảm đến mức thấp nhất việc gia súc, gia cầm thất thoát trong mùa đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.