Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng bệnh cúm mùa

Phan Tuấn| 15/02/2020 06:26

(HNMCT) - Không chỉ đối mặt với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) mà hiện nay, thời tiết đang là mùa đông - xuân, nhất là đối với miền Bắc có khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm dễ dàng phát triển và lan truyền. Do vậy, người dân cần trang bị kiến thức nhằm chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa.

Thời tiết mùa đông - xuân, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm dễ dàng phát triển và lan truyền.

Chưa ghi nhận chủng vi rút cúm mới

Từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.

Tại Việt Nam, trung bình hằng năm có hơn 800.000 người mắc cúm, số mắc thường gia tăng vào thời điểm giao mùa. Năm 2019, số ca mắc cúm và tử vong do cúm trong cả nước giảm 10,4% số mắc và giảm 2 trường hợp tử vong so với năm 2018.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tại nước ta hiện chưa ghi nhận chủng vi rút cúm mới, cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người. Các chủng vi rút cúm được ghi nhận chủ yếu là cúm A (H1N1) và cúm B.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đa phần người bệnh mắc cúm ở thể nhẹ, không cần đến bệnh viện và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Nhưng đối với trẻ em và người già sức đề kháng kém, thai phụ, và đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, những người bị cúm nhưng có dấu hiệu nặng lên như viêm phổi, suy hô hấp, sốt quá cao... thì cũng cần phải lưu ý.

Con đường lây truyền của bệnh cúm

Bệnh cúm có mức lây nhiễm rất cao do lây qua đường hô hấp. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, khi tiếp xúc trực tiếp với người đang bị cúm qua hắt hơi, bắt tay hoặc gián tiếp như sờ tay nắm cửa, vòi nước có vi rút cúm, là người bình thường đã có nguy cơ bị mắc bệnh. Vì vậy, những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường học, khu công nghiệp, văn phòng hay khu tập thể... rất dễ bùng phát dịch bệnh cúm. Khởi phát của bệnh cúm là sốt cao, ho, đau họng, đôi khi gây nhầm lẫn như bệnh cảm lạnh (do các vi rút khác gây ra với bệnh cảnh nhẹ hơn). Diễn tiến bệnh cúm sẽ nặng nề hơn cảm lạnh như đau nhức đầu, đau nhức cơ khiến người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm hoặc nhập viện, nhất là khi có biến chứng xảy ra.

Các biến chứng của bệnh cúm có thể là viêm đường hô hấp (như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát...) hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp (như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim), đặc biệt là có khả năng gây tử vong cao cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và những người mắc bệnh mạn tính.

Các tổ chức y khoa đã khuyến cáo, cúm là yếu tố làm tăng nặng các bệnh lý như: Tái phát nhồi máu cơ tim, tăng khả năng đột quỵ đối với bệnh nhân tim mạch, làm xuất hiện cơn khó thở cấp trên nền bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hay khó kiểm soát đường huyết với bệnh đái tháo đường.

Cách bảo vệ bản thân và gia đình

Hiện nay, vẫn còn nhiều người chủ quan khi mắc cúm, thường tự ra mua thuốc về điều trị. Thậm chí, có người mua cả những loại thuốc chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ như Tamiflu về để điều trị bệnh cúm.

Về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho rằng, theo quy định, thuốc Tamiflu phải dùng theo đơn, vì vậy, muốn sử dụng phải có chỉ định của thầy thuốc. Đặc biệt, thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng rõ rệt trong vòng 48 giờ đầu kể từ khi bệnh nhân có triệu chứng cúm; còn nếu dùng sau thì tác dụng điều trị cũng không khác gì các thuốc dùng cho cảm cúm thông thường. Hiệu quả điều trị của thuốc Tamiflu là có thể giảm triệu chứng của bệnh cúm, còn các tác dụng khác không nổi bật như kháng sinh khi điều trị nhiễm khuẩn.

Việc nên làm khi mắc cúm, đặc biệt với trẻ em, là cha mẹ cần tập trung vào các khâu quan trọng như: Hạ sốt cho trẻ, kiểm soát nhiệt độ cơ thể trẻ dưới 38,5oC. Cùng với đó, cần vệ sinh đường hô hấp bằng nước muối sinh lý; hạn chế để người lớn tiếp xúc với em bé. Đặc biệt, cha mẹ chú ý bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước. Cách phòng bệnh cúm tốt nhất là tiêm vắc xin phòng cúm để giúp cơ thể chống lại vi rút khi có dịch cúm xảy ra.

Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân luôn bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức khỏe. Cần chú ý tiêm vắc xin phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nếu không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng bệnh cúm mùa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.