Nông nghiệp - Nông thôn

Chủ động phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP

Minh Phú 20/12/2024 - 06:49

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, các chủ thể OCOP của Hà Nội đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu nông sản chất lượng cao mang đặc trưng từng vùng miền.

Từ đó, chủ động nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ liên kết chuỗi để phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Đóng gói rau trồng theo phương pháp thủy canh tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm
Đóng gói rau trồng theo phương pháp thủy canh tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm

Liên kết tạo vùng nguyên liệu

Xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) có truyền thống trồng rau xanh. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn Dương Thị Thuấn cho biết: "Để nâng cao giá trị sản xuất, từ năm 2018, tôi đã vận động 12 thành viên thành lập hợp tác xã, xây dựng nhà lưới để trồng các loại rau thủy canh, rau gia vị, rau trồng trên đất theo hướng hữu cơ. Trên diện tích 1ha, hợp tác xã bố trí 8 nhà lưới và khu sơ chế, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Đến năm 2022, hợp tác xã đã có hơn 10 loại rau được thành phố đánh giá, phân hạng OCOP đạt 4 sao".

Mặc dù đã đầu tư công nghệ cao vào trồng rau, song với diện tích hạn hẹp nên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn không thể cung cấp được sản lượng rau như mong muốn ra thị trường. Hơn nữa, theo bà Dương Thị Thuấn, do đô thị hóa nên đất sản xuất nông nghiệp ở Đa Tốn ngày một thu hẹp. Bên cạnh đó, vì nằm trong các quy hoạch nên hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng của xã không được đầu tư, sản xuất rất khó khăn. Trước thách thức đó, đầu năm 2023, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn đã tìm đến Mộc Châu (tỉnh Sơn La) liên kết với các hộ nông dân bản địa để trồng 3ha rau. Đến nay, mỗi ngày từ vùng trồng liên kết đưa về hợp tác xã 1,8 tấn rau xanh bảo đảm các tiêu chí về quy trình canh tác như ở Đa Tốn. Toàn bộ số rau được sơ chế, đóng gói tại hợp tác xã trước khi đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch. Cũng nhờ vùng liên kết hiệu quả, 12 thành viên của hợp tác xã có việc làm và thu nhập ổn định với khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP, các chủ thể và địa phương đã tính toán đến việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong đó, chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, với các tiêu chí về nguồn gốc, tính bền vững.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố đang duy trì 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; trong đó có 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 106 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Ngoài ra, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong giai đoạn 2020-2024, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển được hơn 1.000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 22 tỉnh, thành phố và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020).

Tạo ra sản phẩm an toàn, đặc trưng

Hà Nội phấn đấu tăng các sản phẩm OCOP đạt 5 sao trong thời gian tới. Đồng thời, chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Để OCOP phát triển mạnh mẽ trong nước và hướng tới xuất khẩu đòi hỏi sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện 100% các chuỗi của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó 40% số chuỗi cung ứng sản phẩm cho thành phố Hà Nội có ít nhất một công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn: VietGAP, HACCP, ISO 22000, hữu cơ. Đến nay, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, như vùng trồng lúa, vùng trồng rau, vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi. Thành phố cũng đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện tại, Hà Nội là địa phương có nhiều giống cây đặc sản, như: Rau muống tiến vua làng Linh Chiểu (xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ); mơ Hương Tích (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức); quýt Tích Giang (huyện Phúc Thọ)… có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP, nhưng đứng trước thực trạng bị suy thoái, khó mở rộng theo hướng hàng hóa. Bởi vậy, việc bảo vệ và phát triển các giống đặc sản, tạo vùng nguyên liệu ổn định sẽ giúp thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông sản và phát triển sản phẩm OCOP.

Với những tiềm năng thế mạnh cùng với việc thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, nông sản của Hà Nội được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các địa phương, các cấp, ngành là cơ sở quan trọng thúc đẩy các chủ thể OCOP đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu ổn định gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển chương trình OCOP nói riêng và kinh tế nông thôn nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.