Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động nguồn nguyên phụ liệu dệt may

Thanh Hiền| 18/06/2011 07:30

(HNM) - Năm tháng đầu năm 2011, ngành dệt may (DM) tiếp tục đứng trong


Kiểm tra hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH nhà nước một thành viên Dệt 19-5 Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm


Theo Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex), giá bông nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2011 đã tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2010. Mặc dù các ngành chức năng đã dự báo giá bông sẽ tăng do Trung Quốc mất mùa bông, một số nước thực hiện chính sách bảo hộ bằng việc cấm xuất khẩu bông song việc tăng giá bông đã ảnh hưởng lớn đến giá thành, các doanh nghiệp (DN) sợi không thể tăng giá bán đã được đàm phán trước đó. Điều này khiến các DN trong nước càng khó khăn trong việc thu mua, tạm trữ nguồn nguyên liệu đầu vào trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ ở mức cao, chi phí điện, nước, xăng dầu, vận chuyển tăng liên tục. Nhiều DN sợi phải giảm năng lực sản xuất, thậm chí một số DN nhỏ có nguy cơ tạm ngừng hoạt động.

Nhận định về tình hình giá bông từ nay tới cuối năm, giới phân tích cho rằng bông vẫn có khả năng tăng giá trong bối cảnh thời tiết xấu có thể ảnh hưởng đến vụ mùa năm nay. Trước tình trạng giá nguyên liệu tăng cao, Vinatex đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các mặt hàng bông, sợi, thuốc nhuộm; giảm 50% thuế từ nay đến hết năm 2011 đối với các sản phẩm sợi, vải, hàng may mặc; đồng thời, tạm hoàn 90% số thuế VAT đầu vào đối với hàng hóa thực XK trong trường hợp DN chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Đối với thuế thu nhập DN, Vinatex cùng Hiệp hội DM Việt Nam kiến nghị giảm 30% số thuế của quý 4-2010 và giãn thời hạn thuế 9 tháng đầu năm 2011 đối với số thuế DN nhỏ và vừa phải nộp trong năm. Đó chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm khắc phục khó khăn cho các DN trong ngành.

Về lâu dài, Vinatex đã xây dựng mục tiêu phát triển ngành bông với sản lượng 40.000 tấn bông xơ vào năm 2015 và 60.000 tấn vào năm 2020, tiến tới đáp ứng 10-15% nhu cầu nguyên liệu trong nước. Hiệp hội DM Việt Nam cùng các địa phương dành quỹ đất xây dựng khu công nghiệp dệt nhuộm, khu vực trồng bông, nguyên liệu phụ kiện theo quy hoạch.

Một trong những phương án được Vinatex đề ra là lập quỹ bình ổn giá thu mua bông trong nước để ổn định giá mua cho nông dân. Vinatex đã đầu tư trồng 3 trang trại bông với diện tích 50 ha/trang trại, thành lập Công ty CP Bông để trồng 2.500 ha bông. Tập đoàn lên kế hoạch hợp tác với Campuchia, đồng thời nghiên cứu phát triển dự án sản xuất tơ nhân tạo visco giá trị cao và phát triển trồng rừng tại Lào. Vinatex cũng gấp rút triển khai các dự án sản xuất xơ visco, chủ yếu từ nguồn nguyên liệu là bột gỗ bạch đàn và keo lai tai tượng. Dự án đầu tư nhà máy công suất 120 tấn/năm có thể chủ động khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu sản xuất các mặt hàng vải pha visco. Dự án này sẽ phát triển khoảng 5.000 ha vùng trồng cây nguyên liệu, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Một số dự án sản xuất lớn của Vinatex đang được tích cực triển khai, như nhà máy sản xuất xơ, sợi tổng hợp tại Ninh Thuận và Đình Vũ (Hải Phòng), nâng cấp các nhà máy dệt thoi tại Vĩnh Phúc, Nam Định...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động nguồn nguyên phụ liệu dệt may

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.