(HNM) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được các chuyên gia dự báo sẽ giúp lương bình quân của người lao động tăng 3%. Bên cạnh đó, Hiệp định dự kiến cũng sẽ tạo mới 146.000 vị trí việc làm tại Việt Nam mỗi năm; trong đó tập trung vào các ngành như dệt may, may mặc, khai khoáng, vận tải đường thủy, sản xuất kim loại...
Song, các dự báo cũng cho thấy, đại đa số việc làm mới đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, tay nghề, trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2019, mới có 23,14% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên và tỷ lệ này chỉ tăng lên 25,82% vào năm 2021.
Những số liệu trên cho thấy, EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức mới cho thị trường lao động Việt Nam. Do đó, để tận dụng những cơ hội việc làm do EVFTA mang lại, nếu không chủ động nắm bắt, cơ hội không những sẽ không đến mà thị trường lao động trong nước còn có nguy cơ bị lấn át bởi lực lượng lao động tay nghề cao đến từ nước ngoài. Do đó, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài là phải chủ động đổi mới hoạt động đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.
Với chủ trương tích cực hội nhập quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có các quy định liên quan đến lĩnh vực lao động, nước ta đã có một hệ thống chính sách, pháp luật về lao động tương đối đầy đủ. Tuy vậy, việc chủ động rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật về lao động để có sự điều chỉnh bảo đảm vừa phù hợp với đặc thù của Việt Nam vừa phù hợp với cam kết của Hiệp định EVFTA là việc làm cần thiết. Riêng đối với nhóm lao động yếu thế, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, đánh giá nhu cầu học nghề, việc làm của từng nhóm đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Để chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo dạy nghề không chỉ theo hướng trang bị cho lực lượng lao động những gì thị trường đang có nhu cầu mà còn trên cơ sở dự báo những gì thị trường sẽ cần trong tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh những kỹ năng cứng, cần thiết phải trang bị cho nguồn nhân lực các kỹ năng mềm, như: Khả năng làm việc nhóm, năng lực và tư duy phản biện...
Bên cạnh đó, các trường đào tạo nghề cần đổi mới trong việc thiết kế các chương trình đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tiễn thay vì chỉ đào tạo những nghề mà các trường có truyền thống, kinh nghiệm. Trong đó, chú trọng khâu đột phá là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường việc hợp tác với các doanh nghiệp để bảo đảm có việc làm ngay khi học viên ra trường.
Về phía các doanh nghiệp, cần có chiến lược kèm ngân sách thích hợp để đào tạo bổ sung, đào tạo tăng cường, qua đó vừa giữ chân người lao động vừa nâng cao năng suất lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với bản thân người lao động, cần ý thức được sự cạnh tranh khốc liệt về việc làm khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Để từ đó, không ngừng tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kiến thức và chú trọng rèn luyện khả năng giao tiếp, ngoại ngữ, chịu áp lực công việc cường độ cao, năng lực thích nghi...
Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam nhưng đồng thời tạo ra sức ép nguồn cung về nhân lực lành nghề. Do đó, chúng ta phải có sự điều chỉnh trong định hướng, chương trình đào tạo, theo sát nhu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng. Chỉ khi chủ động đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam mới tận dụng được những lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.