(HNM) -
Khách hàng làm thủ tục chuyến bay tại Sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hà |
Quy hoạch không còn phù hợp
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Sân bay Nội Bài có 2 đường cất hạ cánh với các đường lăn kết nối đồng bộ. Công suất khu bay bảo đảm khoảng 45 triệu hành khách/năm. Sân đỗ máy bay hiện có 71 vị trí và sẽ sớm nâng lên 86 vị trí đỗ để đáp ứng đồng bộ với năng lực của khu bay. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang triển khai mở rộng Nhà ga hành khách T1, dự kiến hoàn thành trong năm 2018 với công suất đạt 15 triệu khách/năm, đồng thời lập kế hoạch mở rộng Nhà ga hành khách T2 trong giai đoạn đến năm 2020 để nâng công suất đạt 15 triệu khách/năm. Tổng công suất nhà ga khi đó đạt 30 triệu khách/năm.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, Sân bay Nội Bài đã phải đối mặt với vấn đề quá tải tại khu bay, trong đó đặc biệt là vị trí sân đỗ. Hiện tại, các hãng hàng không đang xin thêm 15 - 20 vị trí đỗ máy bay qua đêm. Cảng đã phải xây dựng phương án cho máy bay đỗ trên cả đường lăn. Tổng công ty ACV đang tập trung đầu tư mở rộng sân đỗ, nhưng cũng phải đến năm 2018 mới có thể bổ sung các vị trí đỗ mới.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, công suất hiện tại của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài là 25 triệu hành khách/năm. Dự báo, lưu lượng khách năm 2017 này đạt 23,9 triệu hành khách, tăng 16,5% so với năm trước đó. Vào năm 2020, Sân bay Nội Bài sẽ đạt 34,5 triệu khách lưu thông, năm 2025 là 54 triệu khách/năm và tới năm 2030 là 65 triệu khách/năm.
Kết quả dự báo chỉ ra rằng, việc quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài trong 2 giai đoạn đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó vào năm 2008 đạt công suất 50 triệu khách/năm vào năm 2030 không còn phù hợp với nhu cầu và tiềm năng phát triển của Sân bay Nội Bài trong giai đoạn dài hạn.
Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận cần nghiên cứu tổng thể để tiếp tục phát triển Sân bay Nội Bài đáp ứng công suất đạt 80-100 triệu khách/năm trong tương lai. Cục đang lên kế hoạch thuê tư vấn nước ngoài đánh giá, rà soát toàn bộ quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài với kinh phí dự kiến khoảng 30 tỷ đồng.
Chủ động, nghĩ xa hơn về đầu tư
Tại hội nghị phối hợp triển khai quản lý nhà nước về GT-VT và phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự an toàn giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội vào chiều 12-9 giữa UBND TP Hà Nội và Bộ GT-VT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, trong vòng 3-5 năm tới, nếu Chính phủ không đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài thì nguy cơ ùn tắc rất lớn cả về vận chuyển hàng hóa và hành khách. Do đó, đề nghị Bộ GT-VT đồng hành cùng Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ đi trước một bước về công tác rà soát, lập quy hoạch và giải phóng mặt bằng.
Sau này, khi triển khai thực hiện các dự án khu đô thị dọc theo đường Võ Nguyên Giáp thì giá đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ bị đẩy lên rất cao. Vì vậy, cần phải đi trước một bước để sau này có mặt bằng “sạch”, thuận lợi hơn trong kêu gọi đầu tư và tiết kiệm chi phí. TP Hà Nội đang giao nhà đầu tư lập quy hoạch toàn bộ khu đô thị vệ tinh và đề xuất hai phương án. Thứ nhất, Hà Nội sẵn sàng ứng vốn để lập quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài mở rộng; Thứ hai, giao cho đơn vị bỏ tiền lập quy hoạch đô thị vệ tinh Sóc Sơn nghiên cứu quy hoạch luôn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Đồng thuận với nhận định cũng như đề xuất của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GT-VT Trương Quang Nghĩa cho rằng, đã đến lúc phải nghĩ xa hơn về đầu tư để triển khai. Nếu không làm quy hoạch và đầu tư, đến năm 2020 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài sẽ đứng trước nguy cơ “vỡ trận”. Làm ngay từ bây giờ đã là muộn, đừng để giống như tình trạng Sân bay Tân Sơn Nhất: Năm nay đạt con số 36,5 triệu hành khách thông qua trong khi công suất chỉ là 28 triệu hành khách. Do đó, việc đẩy nhanh quá trình triển khai quy hoạch Sân bay Nội Bài là rất cấp thiết.
Bộ GT-VT thống nhất với đề xuất Hà Nội xin được ứng nguồn vốn trước để rà soát lập quy hoạch, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao gói giải phóng mặt bằng cho TP Hà Nội làm trước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.