(HNM) - Tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng cao, các thuận lợi, thách thức và giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 là nội dung chính của cuộc họp báo công bố tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 28-6, tại Hà Nội.
6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: Thúy Hồng |
6 tháng, GDP tăng 6,76%
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm kinh tế trong nước (GDP) 6 tháng tăng 6,76%, tuy thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018 (7,05%), nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ các năm từ 2011 đến năm 2017. Kết quả này cũng khẳng định hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 của Chính phủ, ban hành ngày 1-1-2019, đã phát huy tác dụng tích cực. 6 tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp tăng 9,13% so với cùng kỳ năm trước (riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,18%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3%. Đặc biệt, cùng thời gian trên, đã có hơn 18,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài "chảy" vào Việt Nam thông qua đăng ký mới, mua cổ phần...; trong khi mức giải ngân đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1%. Tổng giá trị bán buôn, bán lẻ tăng 8,09%, niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường tăng mạnh, đứng thứ 3 thế giới.
Đánh giá về vấn đề này, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho rằng, nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng như điện thoại và linh kiện, máy tính, dụng cụ cơ khí chính xác, dệt may... vẫn góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) xác nhận, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định; trong đó chăn nuôi gia cầm đạt kết quả tốt và ngành thủy sản tăng trưởng cao.
Nhận định về xuất khẩu, theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua đáng ghi nhận trong bối cảnh nhịp độ giao thương quốc tế vẫn ở tình trạng trầm lắng, sức cầu giảm. Đến nay, có 22 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Đặc biệt, Việt Nam vẫn chiếm vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với một số thị trường giàu tiềm năng.
Về vấn đề kiềm chế lạm phát, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 6 tháng qua chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ - là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Việc kiểm soát tốt lạm phát đã góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, ổn định xã hội cũng như bảo đảm sức mua của người tiêu dùng.
Kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Thái Hiền |
Nhận định về tình hình 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý những thách thức như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được xem là thế mạnh có xu hướng giảm đáng kể; cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu ở mức thấp. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi đối diện với bệnh Dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường…
Để hóa giải những thách thức, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2019, Chính phủ, các bộ, địa phương đang vào cuộc đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, phát huy sức mạnh và sự đóng góp của hoạt động xuất khẩu, với điểm nhấn là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo... do sản phẩm của ngành hàng này thường chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, Chính phủ kiên trì triển khai những nhóm giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động để kiểm soát lạm phát.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần cân nhắc việc tăng giá những sản phẩm dịch vụ thiết yếu, nhất là giá xăng dầu, giá điện một cách hợp lý. Hơn nữa, cần có cơ chế rà soát, giám sát về tính minh bạch để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như góp phần kiềm chế lạm phát... Về phía doanh nghiệp, để tận dụng cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nhằm đa dạng hóa thị trường, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất, doanh nghiệp Việt phải chú trọng vào chất lượng sản phẩm, chứ không chỉ là giá bán.
Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Việt Phong cho biết, Chính phủ yêu cầu tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết kịp thời vướng mắc tại các dự án. Thông thường mức giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng mạnh từ sau quý II đến hết năm. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo sát sao của cấp điều hành, nhất là quyết tâm từ phía các chủ dự án.
Đề cập thêm về các giải pháp, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam… Đặc biệt là cần thúc đẩy ngay tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, không để dồn vào cuối năm; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.