(HNM) - Khống chế lạm phát trong nửa cuối năm 2022 là vấn đề quan trọng hàng đầu để điều hành kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm đã phân tích rõ thực trạng, nguyên nhân cũng như gợi ý những giải pháp cần thiết để chủ động giảm áp lực lạm phát.
- Ông đánh giá thế nào về tình hình lạm phát trong nửa đầu năm 2022?
- Trước hết cần khẳng định, lạm phát của nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Mặc dù tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6-2022 là 0,69% so với tháng trước và 3,18% so với tháng 12-2021, đều là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012, nhưng bình quân 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng CPI vẫn ở mức 2,44%. Giá các nhóm hàng hóa trong 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng bởi giá cả trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu dùng trong nước, chính sách hỗ trợ, giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Thực tế, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu. Khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%; đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Trong khi đó, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,04% so với cùng kỳ năm 2021 - là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
- Theo ông, việc giá xăng, dầu tăng cao trong các tháng qua tác động thế nào đến CPI?
- Xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, chiếm 3,5% tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế. Đây là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tác động đến giá sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, biến động giá xăng, dầu tác động mạnh đến giá thành sản xuất và tiêu dùng. Theo tính toán, khi giá xăng, dầu tăng 10%, CPI tăng 0,36%. Đặc biệt, xăng, dầu sản xuất trong nước chỉ chiếm 70-75% tổng cung xăng, dầu nên nhu cầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu.
- Ông đánh giá thế nào về những biện pháp nhằm hạn chế tăng giá xăng, dầu thời gian qua?
- Theo tôi, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cũng chưa đủ để kìm giá xăng, dầu trong nước. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đề xuất giảm thêm một số loại thuế, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để giảm giá xăng, dầu trong nước; từ đó góp phần bình ổn thị trường, giảm áp lực lên lạm phát. Đồng thời, cần đánh giá khả năng cung cấp mặt hàng này từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước để có phương án điều hành kịp thời, bảo đảm nguồn cung, chủ động nhập khẩu xăng, dầu để bù đắp thiếu hụt của sản xuất trong nước, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng, dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh xăng, dầu.
- Ngoài vấn đề giá xăng, dầu, nên có thêm giải pháp gì, thưa ông?
- Trước hết, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý, cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tiếp theo, bảo đảm nguồn cung của từng nhóm nguyên, vật liệu, tránh phụ thuộc vào một nguồn, một thị trường.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin về giá cả; giảm chi phí thương mại và duy trì khả năng cạnh tranh, thị phần của hàng Việt. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước nhằm chủ động nguồn nguyên, vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá trong bối cảnh các nền kinh tế lớn, phát triển đều tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn, cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên, nhiên, vật liệu để thúc đẩy sản xuất. Với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn, cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng ổn định và đối tác cung ứng đủ năng lực.
Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng, dầu thế giới, nâng cao năng lực dự báo, có giải pháp tổng thể bảo đảm đầy đủ nguồn cung xăng, dầu dài hạn hơn.
Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới; kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.