Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động đón dòng vốn mới

Hồng Sơn| 14/02/2015 08:20

(HNM) - Ngay từ tháng đầu năm nay, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cùng với những tín hiệu mới nhất cho thấy mức độ lạc quan khá rõ từ phía cộng đồng nhà ĐTNN trong việc chọn Việt Nam là điểm đến cho dòng vốn đầu tư của họ.

Sản xuất điện thoại tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Hải Anh


Khẳng định vị thế hấp dẫn

Trong các nước đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vẫn dẫn đầu thể hiện quyết tâm làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Kết quả khảo sát năm 2014 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, có 66% DN nước này đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động trong vòng 1-2 năm tới. Đây là tỷ lệ khá lớn, thể hiện sự ưu tiên lựa chọn Việt Nam trong chiến lược sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn cầu của giới công thương Nhật Bản. Tỷ lệ này cũng cao hơn hẳn mức độ uy tín của một số quốc gia vốn được cho là đối thủ trong cạnh tranh thu hút đầu tư với Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… Đại diện DN Nhật Bản cũng khẳng định, kết quả kinh doanh của họ vẫn ổn định và có xu hướng gia tăng so với năm trước. Đó là nguyên nhân để các chuyên gia nhận định, nếu DN Nhật Bản hiện thực hóa sự quyết tâm nói trên thì riêng quốc gia này sẽ có thêm hàng tỷ USD đầu tư vào Việt Nam trong năm 2015.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2015 sẽ có nhiều đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút vốn ĐTNN. Việc xúc tiến sẽ tập trung vào đối tác giàu tiềm năng thuộc khu vực EU, ASEAN, Hoa Kỳ… và những thị trường trọng điểm, tránh dàn trải. Đồng thời, hoạt động xúc tiến ĐTNN sẽ được gắn kết chặt chẽ với mục tiêu mời hợp tác du lịch và đối ngoại kinh tế trên tầm quốc gia. Cụ thể hơn, hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên gồm: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng, công nghiệp áp dụng công nghệ cao… và từ các đối tác hàng đầu như: Hoa Kỳ, thành viên nhóm G7, EU. Đặc biệt, năm nay các địa phương sẽ chủ động mời gọi đầu tư để phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng chào mời DN quy mô nhỏ và vừa của Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong quá trình hội nhập. Theo các chuyên gia, công tác vận động đầu tư cũng sẽ được triển khai thông qua kênh đối ngoại, trao đổi các đoàn đại biểu và hoạt động tư vấn để tìm cơ hội hợp tác; đặc biệt là thông qua gặp gỡ giữa cơ quan chức năng Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề hoặc theo khu vực địa lý của các nước đối tác.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2015 cơ quan chức năng phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, có dấu ấn trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN hoạt động hiệu quả để từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng kinh tế. 

Chủ động khắc phục tồn tại

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng con đường phía trước không hẳn bằng phẳng, bởi lẽ giới đầu tư quốc tế vẫn còn không ít lo ngại. Trước hết là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện cũng như quá trình thực thi cũng chưa suôn sẻ, thậm chí có thể nảy sinh tiêu cực hoặc thiếu minh bạch - là nguy cơ gây rủi ro cho nhà đầu tư. Hiện có khoảng 50% DN Nhật Bản còn tỏ ra lo lắng về sự phức tạp về cơ chế, thủ tục thuế hoặc hải quan bên cạnh tình trạng nội dung văn bản thiếu rõ ràng, nhiều thủ tục phải đăng ký, sự chậm trễ trong hướng dẫn… Một thực trạng kéo dài và chưa được cải thiện bao nhiêu là việc mỗi DN phải đáp ứng, cung cấp rất nhiều tài liệu theo yêu cầu từ phía các cơ quan quản lý, liên quan đến nhiều mục đích cụ thể như: An toàn sản xuất, phòng chống cháy nổ, vệ sinh và bảo vệ môi trường, các loại hóa đơn chứng từ… Trong khi đó, các cơ quan quản lý lại thiếu cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin và càng không thể công nhận kết quả kiểm tra của nhau. Từ đó, DN phải mất nhiều thời gian để làm các thủ tục hành chính, chuẩn bị nội dung trình bày với các đoàn kiểm tra.

Giới đầu tư cũng lo ngại tình trạng thiếu nhân công có tay nghề cũng như đội ngũ chuyên gia giỏi, thạo việc ở Việt Nam. Đây là thực tế đã được nhận diện nhưng không có chuyển biến như mong muốn, khiến chủ đầu tư phải đối phó bằng cách "nhập khẩu" người lao động từ nước thứ ba. Điều đó làm gia tăng chi phí vận hành cơ sở sản xuất.

Một điểm nghẽn nữa là, Việt Nam vẫn được đánh giá là yếu kém hơn các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia về khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu tại chỗ. Tình trạng này khiến nhà đầu tư phải "loay hoay" chống đỡ và nếu phải nhập khẩu thì sẽ làm tăng chi phí đầu vào, dẫn đến đội giá thành phẩm. Nhận thức được vấn đề này, đến nay một số đơn vị trong nước như các thành viên Tập đoàn Dệt may, da giày đang chú trọng tạo nguồn cung ứng sản xuất nguyên, phụ liệu bên cạnh các cơ sở sản xuất chi tiết, linh kiện cơ khí, điện tử… để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động đón dòng vốn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.