Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Thanh Hải| 12/03/2022 06:16

(HNM) - Trên thế giới, giá dầu thô liên tiếp tăng cao do diễn biến căng thẳng tại Ukraine. Còn trong nước, những khó khăn của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn khiến câu chuyện giá xăng dầu “nóng” hơn bao giờ hết. Là mặt hàng chiến lược tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội, việc chủ động bảo đảm nguồn cung, quản lý và điều hành giá xăng dầu một cách khoa học, chặt chẽ đang được ngành Công Thương cùng các đơn vị cung cấp nỗ lực triển khai với những giải pháp cụ thể.

Vận chuyển các sản phẩm tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Hải Tần

“Nóng” thị trường xăng, dầu

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, nguồn cung xăng, dầu từ sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 70-75% (có những thời điểm lên đến 80%) nhu cầu sử dụng. Nguồn cung chủ yếu từ 2 nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn (chiếm 35-40% thị phần) và Bình Sơn (chiếm khoảng 35% thị phần). Tuy nhiên, thời gian qua, do gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nhiều lần phải giảm công suất xuống 90%, rồi 80% và hiện nay đang vận hành ở mức 55-60%.

Thực trạng này ảnh hưởng đến việc giao hàng cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu trong nước. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong tháng 2-2022, lượng xăng, dầu của nhà máy này giao cho các đầu mối kinh doanh giảm 43% so với kế hoạch bình quân (kế hoạch là 680 nghìn mét khối, thực tế chỉ giao 390 nghìn mét khối). Theo tính toán, trong tháng 3-2022, lượng xăng, dầu giao được chỉ khoảng 540 nghìn mét khối (giảm 20%). Dự kiến phải đến tháng 4-2022, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới khôi phục được 100% công suất.

Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng, dầu trên thị trường là tỷ lệ chiết khấu đối với các đại lý. Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Ô tô vận tải Hà Tây (một trong những đại lý bán lẻ xăng, dầu tại Hà Nội) Hoàng Thị Lệ Mỹ cho biết, câu chuyện nguồn cung hay giá xăng, dầu lên xuống, chỉ là một phần. Vấn đề chính là mức chiết khấu trên giá xăng, dầu như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ không thực sự mặn mà để kinh doanh. “Đơn vị chúng tôi là đại lý nhượng quyền của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nên nhận được mức chiết khấu là 240 đồng/lít xăng đối với khu vực I. Mức này quá thấp, chỉ đủ trang trải phí vận chuyển xăng, dầu về đến cửa hàng. Trong khi đó, chi phí kinh doanh còn bao gồm tiền kho bãi, lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, tỷ lệ hao hụt của xăng, dầu. Ít nhất mức chiết khấu phải là 700 đồng/lít xăng thì doanh nghiệp mới duy trì được hoạt động. Từ trước Tết Nguyên đán đến giờ, doanh nghiệp lỗ hơn 600 triệu đồng”, bà Hoàng Thị Lệ Mỹ nói.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tại khu vực miền Bắc và miền Trung, nguồn cung xăng, dầu vẫn được bảo đảm, không xảy ra tình trạng khan hiếm. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu của Nhà nước không những bảo đảm nguồn cung trong hệ thống phân phối của mình mà còn tăng cường nhập khẩu để bù đắp cho thiếu hụt của các đầu mối kinh doanh, phân phối xăng, dầu khác. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra của cơ quan chức năng cũng như phản ánh của người dân, thực tế ở một số địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và miền Nam, cũng đã xuất hiện tình trạng cửa hàng bán lẻ thiếu xăng, dầu cục bộ hoặc bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng (chỉ bán khoảng 20.000-30.000 đồng xăng, dầu mỗi lượt).

Vận chuyển xăng tại Tổng kho xăng, dầu Bắc Giang (Tổng công ty Dầu Việt Nam). Ảnh: Hải Bùi

Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ

Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng đầu cơ, trục lợi… trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Đồng thời, Bộ đã yêu cầu Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng công suất trong khả năng cho phép từ 100% lên 105% từ đầu tháng 2-2022. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã giao bổ sung hạn mức xăng, dầu nhập khẩu cho 10 doanh nghiệp đầu mối để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Tổng lượng nhập khẩu tăng thêm khoảng 2,4 triệu mét khối, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhập thêm 1.065.567 mét khối; Tổng công ty Dầu Việt Nam thêm 488.688 mét khối; Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà 140.401 mét khối; Công ty TNHH Hải Linh 124.898 mét khối; Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch xuyên Việt 165.117 mét khối; Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội 41.636 mét khối… Bộ cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối để kịp thời nhập khẩu xăng, dầu theo hạn mức được giao bổ sung.

Quan điểm của Bộ Công Thương là không để thiếu hụt xăng, dầu trong mọi tình huống. Lượng xăng, dầu thiếu hụt sẽ được giải quyết bằng cách nhập khẩu, giao chỉ tiêu cụ thể từng tháng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thường xuyên báo cáo lượng xăng, dầu nhập khẩu về đầu mối là Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) để nắm bắt và cân đối.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Xuân Hùng cho biết, đơn vị đã rà soát lại các hợp đồng nhập khẩu đã ký kết để đàm phán tăng nguồn cung. Cùng với đó, đơn vị ký kết các hợp đồng mới cho phù hợp chỉ tiêu và sản lượng mà Bộ Công Thương đã giao. Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận (đại lý bán lẻ xăng dầu trên đường Nguyễn Xiển - Xa La, Hà Nội) Vũ Thị Minh Phương kiến nghị, nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng thì cần giảm thuế môi trường, đồng thời điều chỉnh mức chiết khấu giúp doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này trụ vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động bảo đảm nguồn cung xăng dầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.