(HNM) - Số người lao động (NLĐ) mất việc làm gia tăng; nghịch lý thừa, thiếu lao động diễn ra trên diện rộng; tỷ lệ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng cao, tiền lương của NLĐ tuy được điều chỉnh theo lộ trình của Chính phủ, nhưng thực tế thu nhập không tăng, thậm chí bị giảm sút...
Tổ chức công đoàn cần nêu cao vai trò bảo vệ người lao động trong các doanh nghiệp nước ngoài để họ yên tâm với công việc.Ảnh: Ýến Ngọc
Lương tăng, thu nhập giảm
Sau 3 năm làm công nhân tại một công ty liên doanh Việt - Hàn (ở KCN Nội Bài), chưa bao giờ Lương Thị Hoa (quê ở Bắc Giang) phải lo lắng nhiều về vấn đề tiền lương, thu nhập như hiện nay. Mức lương khởi điểm 1,9 triệu đồng, cộng thêm tiền làm thêm, tăng ca, tăng giờ, Hoa có mức thu nhập khoảng 2,2 triệu đồng, trừ chi phí cũng để dành được năm, bảy trăm ngàn đồng một tháng. Nhưng sang đến năm nay, dù đã được công ty điều chỉnh tăng lương một lần, thu nhập của Hoa vẫn bị giảm đáng kể. Trước đây, không nghỉ ngày nào trong một tháng, Hoa được nhận thêm 400.000 đồng trợ cấp chuyên cần, đi lại và phụ cấp sinh hoạt. Nhưng nay, công ty quy định, 3 tháng liền không nghỉ ngày nào mới được hưởng phụ cấp, nghỉ một ngày sẽ bị "cắt" hết khoản này. Rất ít người đạt được như vậy, vì ốm đau, công việc đột xuất, nên nhiều người đành "nhảy" việc - Hoa bức xúc kể.
Tuy bị "uy hiếp" về quyền lợi, nhưng trường hợp như Hoa vẫn còn may, bởi hiện nay không ít DN vốn đầu tư nước ngoài chưa áp dụng tăng lương tối thiểu cho công nhân theo lộ trình của Chính phủ vì lý do đã trả lương cao hơn mức đó. Bà Ngô Ngọc Thủy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội của LĐLĐ Hà Nội cho biết, nhiều đợt khảo sát đời sống CNLĐ trong DN vốn nước ngoài, bà phát hiện nhiều DN "đẻ" ra nhiều khoản phụ cấp cho NLĐ, nhưng thực chất, những khoản phụ cấp đó vẫn chỉ là lương của NLĐ, thậm chí cộng lại còn thấp hơn lương nếu được DN điều chỉnh theo lộ trình chung.
Không chỉ chịu thiệt thòi về thu nhập, tiền lương, NLĐ còn bị xâm phạm quyền lợi về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH). Cả nước hiện nay có 9,7 triệu người tham gia BHXH (tăng tới 6,2 triệu người so với năm 1997 là khi Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện chính sách xã hội), nhưng thực trạng nợ BHXH đã liên tục tăng. Riêng Hà Nội, sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội X CĐ Việt Nam, nợ BHXH lên tới gần 800 tỷ đồng.
Công đoàn làm trọng tài kinh tế
Nhằm tháo gỡ những bất cập, khó khăn trên, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các cấp CĐ chú trọng tăng số lượng các DN ký thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) phải đi đôi với nâng cao chất lượng các bản thỏa ước. Theo đó, thỏa ước phải đạt các tiêu chí cụ thể về nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca; nâng lương và thêm tháng lương thứ 13; bảo đảm các khoản thưởng tết, trợ cấp đi lại, đào tạo nghề, khó khăn và rủi ro; mua bảo hiểm tai nạn cho NLĐ...
Thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ DN ký TƯLĐTT tại khu vực DN ngoài quốc doanh cả nước đạt trên 50%, tỷ lệ này của Hà Nội là 47,4%... Tuy nhiên, thực trạng DN "lách" luật để trốn thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm, các chế độ chính sách khác đối với NLĐ đã và đang diễn ra phổ biến, dẫn đến thực trạng thất nghiệp "ảo", vừa thừa, vừa thiếu lao động. Một chuyên gia lao động việc làm nhận định, hiện nay có thực trạng CNLĐ làm đơn xin hưởng BHTN để được nhận trợ cấp từ Quỹ BHTN, nhưng lại "nhảy" sang DN khác làm việc tìm kiếm cơ hội mới. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 7 triệu người đăng ký BHTN, với số thu khoảng 4.800 tỷ đồng, nâng tổng số quỹ BHTN lên 8.300 tỷ đồng - con số rất lớn so với hơn 100 nghìn người đề nghị được thụ hưởng chính sách này.
Ông Vũ Trung Chính - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cũng cho biết, chưa bao giờ trung tâm phải đối mặt với tình trạng quá tải làm thủ tục BHTN như hiện nay. Có những ngày trung tâm phải tiếp 800 - 1.000 người đến trình báo tình trạng việc làm. Từ đầu năm tới nay, hơn 10 nghìn lao động đến đăng ký BHTN, trong khi cả năm 2010 chỉ có 4.192 người.
Giải bài toán ổn định đời sống, việc làm của NLĐ, tháng 8 vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết liệt chỉ đạo các cấp CĐ tham gia với chủ DN xây dựng khu nhà trọ miễn phí cho công nhân; tăng cường tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi giữa lãnh đạo địa phương, chủ nhà trọ, DN với công nhân, nhằm "tìm tiếng nói chung" giải quyết kiến nghị của NLĐ về thu nhập, nhà ở, điều kiện sinh hoạt và vui chơi giải trí cho NLĐ. LĐLĐ TP Hà Nội cũng chỉ đạo các cấp CĐ chủ động "bám" cơ sở để phát hiện và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quan hệ lao động; chủ động phối hợp, tham mưu đề xuất chính sách dành cho NLĐ. Bên cạnh đó, tìm mọi biện pháp duy trì đẩy mạnh sản xuất trong các DN...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.