Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống thất thu thuế trong chuyển nhượng vốn: Giải pháp nào khả thi?

Hương Ly| 31/12/2013 06:34

(HNM) - Chuyển nhượng vốn góp, nhượng quyền thương mại là những hoạt động khá phổ biến trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển. Song nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã né tránh nghĩa vụ thuế, làm thất thu ngân sách.

Những "chiêu" trốn thuế

Hoạt động chuyển nhượng vốn góp và nhượng quyền thương mại thời gian qua diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, một số DN đã cố tình né tránh nghĩa vụ thuế bằng cách ghi trên hợp đồng khai báo với cơ quan thuế giá chuyển nhượng chỉ bằng giá vốn, không phát sinh thu nhập để không phải nộp thuế. Có trường hợp, hợp đồng chuyển nhượng ghi giá trị cao nhưng thu nhập phát sinh thấp. Điển hình là vụ Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan chuyển nhượng vốn cho Vietnam Growth Capital Pte.Ltd (Singapore) với giá chuyển nhượng theo hợp đồng là 1.061.861 triệu đồng so với giá vốn là 1.061.615 triệu đồng, dẫn đến thu nhập phát sinh 246 triệu đồng và số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp chỉ là 61 triệu đồng. Có hợp đồng chuyển nhượng vốn phát sinh chênh lệch lớn giữa giá chuyển nhượng và giá vốn nhưng lại không kê khai với cơ quan thuế, như trường hợp Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Phở 24…

Công ty CP Thương mại dịch vụ Phở 24 là đơn vị có nghi vấn “lách luật” trong hoạt động chuyển nhượng vốn.


Cơ quan thuế đã nhận thấy những bất cập nêu trên và chủ động đưa các DN có chuyển nhượng vốn góp, nhượng quyền thương mại vào diện quản lý rủi ro. Cụ thể, theo quy định tại Điều 14, Thông tư số 123/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, DN có thu nhập từ chuyển nhượng vốn thì khoản thu nhập này được xác định là thu nhập khác và kê khai hòa nhập vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN. Việc kê khai thực hiện chậm nhất không quá ngày thứ 30 của tháng đầu quý tiếp theo. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không quy định DN nơi có phần vốn góp được chuyển nhượng, hoặc cơ quan cấp giấy phép đầu tư chỉ làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn khi DN đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nên rất khó kiểm tra phát hiện các trường hợp phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn. Thông tư số 84/2009/TT-BTC quy định: "Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc DN có vốn chuyển nhượng chỉ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu vốn cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn khi có chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hoạt động chuyển nhượng vốn". Song trên thực tế, cá nhân chuyển nhượng vốn chưa kê khai nộp thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chưa có chứng từ nộp thuế TNCN nhưng cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư vẫn làm thủ tục cho chuyển quyền sở hữu. Việc kê khai thuế do cá nhân tự giác, nếu không kê khai, cơ quan thuế cũng không có cơ sở để tính thuế. Việc tìm ra bằng chứng để thu thuế không hề đơn giản, bởi các tổ chức, cá nhân đã sử dụng nhiều chiêu thức để "né" số thuế phải nộp.

Sớm xóa bỏ những kẽ hở

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, qua thanh tra, kiểm tra 120.000 DN trong năm 2013, ngành tài chính đã truy thu 8.500 tỷ đồng tiền thuế, một phần trong số này từ thuế chuyển nhượng. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cố tình né khoản nghĩa vụ thuế khi chuyển nhượng vốn và nhượng quyền thương mại là do cơ sở pháp lý về lĩnh vực này chưa hoàn thiện và chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thuế, đất đai và cấp phép kinh doanh cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các DN cố tình vi phạm.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lách thuế chuyển nhượng vốn, cần quy định chặt chẽ về việc DN chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán, cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng và giá vốn chuyển nhượng. Trường hợp chuyển nhượng vốn không có hóa đơn (đối với tổ chức), chứng từ chứng minh (với cá nhân) đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, DN nơi cá nhân chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân chuyển nhượng vốn.

Từ 1-7-2013, Luật Thuế TNCN sửa đổi quy định chặt chẽ hơn về hoạt động chuyển nhượng vốn góp, ràng buộc trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân đối với DN làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn mà không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ thuế. Quy định này giúp cơ quan thuế quản lý chặt chẽ hơn, góp phần bảo đảm công bằng với những DN chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ thuế và giảm thiểu tình trạng thất thu ngân sách.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính nêu rõ các chiêu lách thuế chuyển nhượng vốn của một số DN. Theo phản ánh, chỉ khi nào cơ quan thuế tiến hành rà soát, DN mới thực hiện khai báo và nộp thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn. DN chuyển nhượng vốn liên tục thay đổi địa điểm kinh doanh để thay đổi nơi khai báo thuế nhằm né khoản thuế phát sinh. Một "chiêu" phổ biến khác là tăng vốn điều lệ để chuyển nhượng với giá cao, sau đó bán bằng giá vốn để không phát sinh thu nhập chịu thuế...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống thất thu thuế trong chuyển nhượng vốn: Giải pháp nào khả thi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.