(HNM) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2835-QĐ/TU (ngày 13-5-2022) về việc thành lập Ban Chỉ đạo thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Điều này thể hiện quyết tâm của thành phố trong công tác phòng, chống tham nhũng với mục tiêu “chống tham nhũng phải không ngừng, không nghỉ”.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì:
Giúp hình thành cơ chế giám sát, kiểm tra chéo
Quan sát quá trình hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng có thể thấy, mô hình ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng đã phát huy hiệu quả tích cực. Vì vậy, việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là hết sức cần thiết, buộc cấp ủy, người đứng đầu xác định phòng, chống tham nhũng là việc ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, ban chỉ đạo cấp tỉnh còn có sự ràng buộc trách nhiệm từ nhiều cơ quan, ban, ngành, chịu sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư... Như vậy, chống tham nhũng sẽ dần hình thành cơ chế giám sát, kiểm tra chéo trong cấp ủy. Tuy nhiên, muốn phòng, chống tham nhũng trở thành phong trào cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân để thực sự tạo nên khí thế “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”...
Đảng viên Phan Thị Diệp, chi bộ số 12, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Hiện thực hóa mục tiêu “chống tham nhũng phải không ngừng, không nghỉ”
Mặc dù, số vụ tham nhũng được phát hiện tăng cao, tỷ lệ thuận với số lượng cán bộ bị xem xét kỷ luật, xử lý trước pháp luật, song ngay trong những tháng đầu năm 2022, vẫn có hàng loạt những vụ án tham nhũng lớn như vụ kit test Việt Á, vụ nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và rất nhiều vụ tham nhũng trong quản lý đất đai, tài sản công tại các tỉnh, thành phố được phát hiện, đưa ra xử lý trước pháp luật. Điều đó chứng tỏ, công tác phòng, chống tham nhũng cần phải làm quyết liệt và liên tục. Việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2835-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là hiện thực hóa mục tiêu “chống tham nhũng phải không ngừng, không nghỉ” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.
Đảng viên Nguyễn Quốc Hùng, chi bộ số 2, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng:
Phòng, chống tham nhũng là mặt trận phức tạp và cam go, cần có một tổ chức để thúc đẩy
Thực tế cho thấy, phòng, chống tham nhũng là mặt trận phức tạp và cam go, cần có một tổ chức để thúc đẩy. Theo tôi, bên cạnh việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh với cơ cấu thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thì trách nhiệm của từng thành viên, mối quan hệ phối hợp của ban chỉ đạo với các cơ quan chức năng địa phương, cấp ủy Đảng cần phải được quy định rất rõ ràng, nhằm bảo đảm mỗi thành viên ban chỉ đạo phát huy tốt nhất khả năng, mối quan hệ và năng lực thực thi nhiệm vụ. Việc Hà Nội thành lập ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giao cho Bí thư làm Trưởng ban chính là cách để ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu, góp phần hình thành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, xác lập ưu tiên rõ ràng nhiệm này.
Ông Nguyễn Thạch Toàn, chung cư Sunrise Building, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:
Phải tổ chức phòng ngừa để giảm tối đa nguy cơ, cơ hội xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Việc Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong công tác quan trọng này. Theo tôi, việc lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cả cấp trung ương và địa phương là rất cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên, dù lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cấp nào cũng cần xác định không chỉ chống mà cần hơn cả là tổ chức phòng ngừa để giảm tối đa nguy cơ, cơ hội xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Cơ cấu của ban chỉ đạo cấp tỉnh cần có những thành viên là cán bộ có thẩm quyền của Đảng, vừa có những cán bộ làm công tác chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.