(HNM) - Ngày 24-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về tình hình vi phạm hành chính giao thông vận tải đường bộ...
Hầu hết các đại biểu chất vấn trực tiếp tại hội trường đều ủng hộ và đánh giá cao tinh thần quyết liệt của Bộ trưởng nhưng cũng cho rằng nhiều giải pháp đưa ra còn chắp vá và manh mún.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Mấu chốt của vấn đề là đầu tư nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng”.
Ba giải pháp hạn chế vi phạm pháp luật giao thông
Vấn đề nóng nhất của ngành giao thông được các đại biểu tập trung chất vấn ngay trong phiên trả lời đầu tiên của Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn là tai nạn và ùn tắc giao thông bao giờ giảm. Giải pháp đột phá là gì? Thừa nhận vi phạm hành chính về giao thông đường bộ là một trong những bức xúc nhiều năm qua, đặc biệt, vi phạm pháp luật giao thông đường bộ là nguyên nhân chính, khiến 96% số người bị tai nạn chết, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định mấu chốt của vấn đề là phải đầu tư nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh. Đảng và Chính phủ coi đây là điểm nghẽn cần đầu tư trong 10 năm tới. Bộ GTVT xác định cần tập trung vào đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm và các tuyến quốc lộ trọng yếu. Đặc biệt, từ nay đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đóng vai trò then chốt và là nhiệm vụ chiến lược của các đô thị trong việc khắc phục ùn tắc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, bởi hiện nay duy trì pháp luật không nghiêm nên người dân nhờn luật. "Còn chuyện mãi lộ thì còn tình trạng lái xe vi phạm pháp luật, họ vẫn nghĩ có thể dùng chuyện này chuyện nọ để giải quyết" - Bộ trưởng khẳng định.
Giải pháp thứ ba, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh tới việc nâng trần mức phạt tối đa, đồng thời cho phép thanh tra viên, công an được tăng thẩm quyền xử phạt, tránh đẩy việc xử phạt lên cấp cao. Đồng thời, tịch thu và sung công xe đua trái phép mà không phân biệt chủ sở hữu. Bởi nếu xe đua không bị tịch thu sẽ làm cho người vi phạm coi thường kỷ cương, tiếp tục đua xe. Bộ trưởng GTVT cũng nhắc lại kiến nghị mở tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện và yêu cầu một khoản ký quỹ khi tham gia giao thông để tiến tới thu tiền phạt qua tài khoản. Đề xuất của Bộ GTVT được đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công an tán thành trong báo cáo bổ sung của hai bộ này.
Đâu là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đồng tình với kiến nghị nâng mức phạt. Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông những năm qua quá lớn, chưa có dấu hiệu giảm (khoảng 12.000 người chết mỗi năm), trong khi đó, chưa thấy Bộ GTVT nêu trách nhiệm của mình. Ngay cả giải pháp nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cũng rất một chiều, ít nhắc đến trách nhiệm của đội ngũ thực thi công vụ và tiền xử phạt vi phạm hành chính chảy vào đâu. Lại đang có sự phân biệt đối xử khi xử lý hành chính. Ví dụ như việc cấm xe taxi vào một số tuyến đường và một số giờ trong khi không hạn chế xe cá nhân khác. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, trước khi đưa ra bất cứ giải pháp nào, Bộ GTVT phải có tính đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra giao thông và hạn chế tiêu cực của lực lượng này trước.
Quan tâm tới vấn đề giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đại biểu Nguyễn Thị Khá - Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho rằng, Bộ GTVT chưa đề cập nhiều đến việc nhiều lái xe không có giấy phép hoặc tình trạng những kiến thức tối thiểu như nhường đường xe ưu tiên các lái xe này cũng vi phạm. Bà Nguyễn Thị Khá yêu cầu Bộ GTVT đánh giá chi tiết hơn về tình trạng xe tải chở quá tải, việc lái xe uống rượu bia gây tai nạn, trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề này. Lấy ví dụ về hiện tượng đường cao tốc Thăng Long chất lượng kém, 100% công trình giao thông chậm tiến độ khiến phương tiện giao thông lưu hành khó khăn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh đề nghị Bộ GTVT chỉ rõ phương án khắc phục trong thời gian tới.
Trước hàng loạt câu hỏi đặt ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng không đi thẳng ngay vào vấn đề mà dẫn lại thông tin về tình hình tai nạn giao thông năm 2011 và những tháng đầu năm đang diễn biến phức tạp và thiệt hại vẫn ở mức cao và cho rằng, rất cần những giải pháp mạnh như Bộ GTVT đề xuất để hạn chế thực trạng này. Theo đó, trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 3 trong tháng 5 tới), Bộ GTVT kiến nghị tạm giữ phương tiện đối với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, xác lập thẩm quyền của trưởng ban, đội trưởng, trưởng bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành để phân cấp, giảm khối lượng công việc cho chánh thanh tra sở, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ. Ngoài ra, rất cần tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực GTVT đường bộ lên 200 triệu đồng (gấp 5 lần mức phạt hiện hành). Mức phạt tối đa này nếu được thông qua sẽ được áp dụng đối với các hành vi vi phạm gây thiệt hại nặng nề cho cộng đồng, kết cấu hạ tầng. Riêng câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Khá, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Công an thống nhất việc quản lý lái xe trong cả nước. Theo đó, hướng sắp tới là mỗi người một bằng lái, kiểm soát bằng máy móc hiện đại để tránh làm giả. Hy vọng sắp tới chất lượng lái xe sẽ tốt hơn.
Về chất lượng đường không bảo đảm, chậm tiến độ của "gần 100% công trình giao thông", ông Đinh La Thăng khẳng định, 2012 là Năm An toàn giao thông, Bộ sẽ sửa đổi quy trình kiểm soát; xây dựng quy chế xác định chất lượng từng công trình. Riêng cầu Thăng Long làm từ năm 1980, đang bị võng xuống. Trong khi đó, thi công nhanh, điều kiện kỹ thuật không bảo đảm, chất lượng kém. Đến nay Bộ GTVT đang tìm mọi cách khắc phục, nhưng việc xử lý rất khó khăn. Ông Đinh La Thăng thừa nhận trách nhiệm của mình trước nhân dân về vấn đề này và hứa sẽ có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: Về việc Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng muốn tăng cả mức tiền lẫn thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông, tôi cho rằng, đất nước đã nghèo nhưng các cơ quan quản lý lại đề nghị toàn biện pháp xử phạt nhiều tiền là không hợp lý. Đại biểu Dương Trung Quốc: Hiện xe quá tải phá đường khủng khiếp. Tiêu biểu là quốc lộ 5 (đoạn Hà Nội - Hải Phòng) đang hỏng nặng là do phương tiện này. Vì vậy, cần có cơ chế để doanh nghiệp đền bù hậu quả. Đang có tình trạng cảnh sát phạt xong rồi cho đi tiếp, xe lại tiếp tục phá đường. Bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam: Tôi thấy "tư lệnh" ngành GTVT đã có nhiều giải pháp tích cực để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông, các giải pháp đưa ra đều ổn. Nhưng kinh phí cho công tác tuyên truyền vận động người dân về an toàn giao thông quá ít nên kết quả hạn chế. Về phí hạn chế phương tiện giao thông của cơ quan này đề xuất, cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi mức thu dự kiến 20-50 triệu đồng/ô tô/năm là quá lớn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.