(HNM) - Hiện tại, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng cao về số ca mắc và ca nặng phải nhập viện. Để hạn chế thấp nhất số ca tăng nặng và tử vong, ngành Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện bảo đảm đáp ứng đầy đủ về nhân lực, giường bệnh, máy móc, thuốc men, dịch truyền, đồng thời đề nghị các địa phương vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết như chống dịch Covid-19.
Nhu cầu truyền tiểu cầu cao hơn 2-3 lần
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (năm 2021 không có ca tử vong). Đặc biệt, số ca mắc gia tăng mạnh những tuần gần đây. Nếu như đầu tháng 9-2022, số ca mắc trong khoảng 500-700 ca/tuần, thì đến cuối tháng 10-2022, ghi nhận 1.200-1.400 ca/tuần.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện điều trị cho 150 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca diễn biến nặng, có dấu hiệu cảnh báo và sốc sốt xuất huyết. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, năm nay, sốt xuất huyết nặng hơn mọi năm và gần 50% bệnh nhân nhập viện có các dấu hiệu cảnh báo trở lên, như: Đau bụng dữ dội, chảy máu lợi, nôn ra máu, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, tiểu cầu giảm sâu…
Sốt xuất huyết có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có giảm tiểu cầu, thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến 7 của bệnh (giai đoạn nguy hiểm). Theo Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) Hà Huy Tình, ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình 150-450G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L, mức nghiêm trọng là 10-20G/L. Năm nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết có tiểu cầu từ 3 đến 5G/L không quá hiếm; thậm chí, lần đầu tiên các bác sĩ đã cấp cứu thành công cho bệnh nhân N.Đ.T (57 tuổi ở huyện Thanh Oai) có tiểu cầu giảm về mức 0G/L.
Trước khi vào viện một tuần, bệnh nhân T thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt 39 độ C, uống thuốc hạ sốt thấy đỡ. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba sau sốt, ông T đánh răng thấy máu tươi chảy ồ ạt. Bệnh nhân được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện huyện và kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết, đặc biệt là tiểu cầu về mức 0G/L. Lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Tại đây, bệnh nhân được truyền dịch để tăng cô đặc máu, cầm máu và truyền khối tiểu cầu được cung cấp từ Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Ba ngày sau, tiểu cầu của bệnh nhân T đã tăng lên 28G/L. Sau gần 7 ngày điều trị, tiểu cầu bệnh nhân tăng lên 146G/L, đạt mức bình thường và được xuất viện.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, do dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng, nên nhu cầu truyền tiểu cầu cao hơn từ 2 đến 3 lần so với bình thường. Tính đến cuối tháng 10-2022, viện đã tiếp nhận được 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần). Lượng tiểu cầu này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Chuẩn bị tốt nhất việc điều trị người bệnh
Theo dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết. Đối với các bệnh viện, ngành Y tế đã thực hiện phân luồng, phân tuyến để phù hợp với mức độ bệnh nhân nặng, nhẹ và chuyển tuyến an toàn. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện bảo đảm đủ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc… trong thu dung, điều trị người bệnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội, như: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba… đều đã chuẩn bị đầy đủ các dịch truyền, thuốc men, trang thiết bị máy móc, phòng ốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường khẳng định, hiện bệnh viện đáp ứng đủ thuốc, dịch truyền, dung dịch cao phân tử… điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh viện cũng đã có kế hoạch dự phòng, sẵn sàng đáp ứng với trường hợp số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng lên.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay, giải pháp quan trọng nhất là công tác tổng vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch và bệnh nhân mắc sốt xuất huyết để có những phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng. Sở Y tế đề nghị các địa phương vào cuộc phòng, chống dịch sốt xuất huyết tương tự như dịch Covid-19. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.