(HNM) - Cách đây 5 năm, khi huyện nọ đang tập trung cao độ cho việc chuẩn bị đại hội Đảng, trên địa bàn bỗng xuất hiện một số tờ rơi với nội dung: “Nhiệt liệt chào mừng đại hội Đảng bộ huyện… Người Việt Nam hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Một nội dung tưởng vô hại, nhưng nếu biết thực tế công tác cán bộ ở huyện này, thì ai cũng hiểu điều mà nội dung tờ rơi này muốn hướng tới gì. Chả là đồng chí phó bí thư thường trực của huyện khi ấy vốn là cán bộ luân chuyển từ nơi khác về, dự kiến được giới thiệu để đại hội xem xét bầu làm bí thư huyện ủy thay đồng chí bí thư nghỉ hưu.
Chỉ có điều, mặc dù được đào tạo cơ bản, trưởng thành qua nhiều vị trí và đang có uy tín, song đồng chí phó bí thư này lại quê ở huyện khác. Thành ra, do đố kỵ, một số cá nhân trong huyện đã ngầm rải tờ rơi, kích động cán bộ, đảng viên hãy bỏ phiếu bầu cho người ở địa phương, chứ không phải người quê nơi khác!
Ở một đảng bộ cơ sở, gần đến ngày đại hội, mọi chuyện tưởng đã xong khi quy trình chuẩn bị nhân sự được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định và đạt sự thống nhất cao. Nào ngờ sát ngày đại hội, một số đảng viên báo cáo với đồng chí bí thư đảng ủy một tín hiệu lạ: Trong điện thoại của mình xuất hiện tin nhắn với nội dung “Không bao giờ chấp nhận “tay A.” vào cấp ủy”. “Tay A.” ở đây chính là một cán bộ cấp trưởng đơn vị, được tập thể tiến cử và cấp trên đã phê duyệt quy hoạch làm cán bộ lãnh đạo, nay được dự kiến giới thiệu làm phó bí thư đảng ủy để tạo điều kiện tiếp cận công việc chung và rèn luyện, phấn đấu. Tất nhiên số điện thoại dùng để nhắn tin là loại “sim rác” và số người nghe theo lời rủ rê của tin nhắn này không thể đảo ngược được xu thế chung tại đại hội. Song, hành vi “ném đá giấu tay” này đã để lại một tâm trạng tư tưởng không tốt trong đảng bộ.
Không chỉ chuyện nhân sự đại hội Đảng, “ném đá giấu tay” đã trở thành chuyện thường gặp ở không ít cơ quan và cũng không quá khó để nhận biết thông qua những quan điểm sử dụng quyền lợi vật chất, hay đánh giá, bổ nhiệm cán bộ... để tập hợp nhau. Nếu cộng thêm yếu tố địa phương, do phải thay đổi tổ chức nhưng người đứng đầu không “chí công vô tư”… thì rất dễ hình thành sự tiếp sức, nuôi dưỡng các hành vi “ném đá giấu tay” đầy nhức nhối, mà như có người ví von: Có một “môn thể thao” nếu tổ chức thi đấu, thì lúc nào cơ quan chúng ta cũng giành giải nhất, đó là môn “ném đá giấu tay”!?
Phải lo đối phó với “đá ném từ mọi phía” tới, thì đảng viên, quần chúng rất dễ mất phương hướng, thậm chí ít nhiều rơi vào tình trạng “im lặng là vàng”. Nếu sự đố kỵ, bất mãn, tham vọng quyền lực tồn tại ngay cả trong cấp lãnh đạo, thì cơ quan rất dễ rạn nứt bởi có nhiều “đá” ném từ các hướng khác nhau.
“Ném đá giấu tay” là biểu hiện nguy hiểm không thể xem thường trong một tổ chức Đảng!
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra nhiều biểu hiện suy thoái liên quan tới hành vi “ném đá giấu tay”. Đó là: “Né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, “vu khống, bôi nhọ người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”, “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”… Và “ném đá giấu tay” còn đi liền với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như: “Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ… gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Làm thế nào để chống những biểu hiện suy thoái, những hành vi khuất tất bôi bẩn tấm gương sáng tổ chức Đảng?
“Ném đá giấu tay” gắn liền yếu tố con người, cho nên muốn ngăn chặn, đẩy lùi nó, trước hết cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng và nâng cao chất lượng đảng viên. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng là việc làm giúp nâng cao “tính Đảng” trong mỗi cán bộ, đảng viên, để mỗi người luôn tiêu biểu cho tinh thần tiên phong và đạo đức cách mạng trong sáng.
Đẩy mạnh hơn nữa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, đồng thời nâng cao kỷ luật Đảng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhấn mạnh: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”.
Ngày 21-1-2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TƯ về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Thực hiện tốt những nội dung công việc được Ban Bí thư đưa ra tại chỉ thị này, nhất là công tác rà soát, sàng lọc đảng viên; kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là nhiệm vụ thường xuyên cả trước mắt và lâu dài của các cấp ủy, tổ chức Đảng.
Mỗi tổ chức Đảng cũng cần thực hiện thật tốt Quy định số 124-QĐ/TƯ (ngày 2-2-2018) của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; để giám sát đảng viên, phát hiện cho tổ chức Đảng những đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Đặc biệt, cần thực hiện thật tốt quy định về công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ (ngày 19-5-2018) của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) gắn với việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền theo Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị.
Đảng ta là một tổ chức tiêu biểu cho những giá trị cao đẹp về lý tưởng, đạo đức trong sáng. Tổ chức Đảng chỉ thật sự trong sạch khi trong đó không còn những hành vi khuất tất của một số đảng viên đã suy thoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.