Góc nhìn

Chống lãng phí từ đấu thầu

Đình Hiệp 06/11/2024 06:47

Đấu thầu là công cụ quan trọng giúp Chính phủ quản lý chi tiêu, sử dụng nguồn vốn nhà nước hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí.

Đấu thầu mang lại lợi ích to lớn đối với chủ đầu tư, nhà thầu và nền kinh tế nói chung, nhất là trong lĩnh vực công.

Hoạt động đấu thầu công khai, minh bạch còn tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các chủ thể tham gia.

Luật Đấu thầu 2023 thay thế Luật Đấu thầu 2013 dù đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu nhưng trong quá trình thực thi vẫn bộc lộ một số bất cập, vướng mắc.

Đáng chú ý là việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong một số trường hợp chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư chưa thống nhất; quy định về hình thức lựa chọn thầu, chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt còn thiếu cụ thể, chưa đáp ứng được điều kiện lựa chọn nhà thầu trong việc mua sắm đặc thù, hoặc mua sắm phòng, chống dịch bệnh… Các quy định về phương thức đánh giá chưa thực sự tạo ra cơ chế hiệu quả, linh hoạt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ công trình có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, một số nội dung trong quy trình thủ tục đấu thầu còn có thể đơn giản hóa, phân cấp, phân quyền hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu, dự án.

Trước yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV dành thời lượng thích hợp để các đại biểu thảo luận tại tổ cũng như hội trường về dự án “1 luật sửa 4 luật” liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu.

Tại đây, đa số đại biểu nhất trí cho rằng, việc sớm sửa đổi những bất cập của Luật Đấu thầu là cần thiết. Trong đó, cần cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.

Hơn thế, cần cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài. Đồng thời, bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này… Đặc biệt là sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, qua đó đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng chất lượng và yêu cầu phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Để việc triển khai Luật Đấu thầu phù hợp với thực tiễn, dự thảo luật cần bổ sung một số nội dung khác nhằm tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu như: Quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu; rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn; sửa đổi quy định về phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, thương thảo hợp đồng...

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu trong dự thảo luật có nhiều điểm mới nên rất cần các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận kỹ lưỡng, góp phần tháo gỡ những bất cập thời gian qua, bảo đảm hoạt động đấu thầu luôn công khai, minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả khi triển khai trong thực tiễn. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào chủ trương chống lãng phí của Đảng, Nhà nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống lãng phí từ đấu thầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.