Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu 2023, thay thế cho Luật Đấu thầu 2013 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2024.
Luật Đấu thầu 2023 có nhiều chỉnh sửa, bổ sung nhằm hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu, tăng tính minh bạch, bảo đảm công bằng trong hoạt động đấu thầu.
Để luật sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27-2-2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Đồng thời, ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27-2-2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ đã ban hành các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Việc ban hành các văn bản nêu trên trong thời gian qua đã tạo khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn một số bất cập. Trong khi đó, thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng. Điều đáng nói, năng lực cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, còn để xảy ra sai sót, vi phạm trong hoạt động đấu thầu; đặc biệt là chưa bảo đảm việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu theo quy định.
Để triển khai Luật Đấu thầu 2023 đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29-7-2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu.
Rõ ràng, Chính phủ đã rất sát sao trong việc đưa Luật Đấu thầu sớm phát huy hiệu quả khi đi vào cuộc sống. Quan trọng là các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải chủ động vào cuộc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Trước hết các cơ quan liên quan cần sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Cụ thể như, ban hành mẫu hồ sơ tài liệu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; ban hành mẫu tài liệu đấu thầu đối với mua sắm trực tuyến; chào giá trực tuyến...
Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng vốn nhà nước để bảo đảm phù hợp với Luật Đấu thầu cũng như các văn bản liên quan.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đúng lộ trình quy định; quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí.
Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị, xử lý vi phạm trong đấu thầu (nếu có). Cơ quan quản lý về đấu thầu chú trọng thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động đấu thầu khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Đặc biệt là cần đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, tận dụng các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thuận lợi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu.
Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội thông qua nhằm hoàn thiện quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính bảo đảm minh bạch, thống nhất, đúng thẩm quyền, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Vì thế, các bên liên quan cần cập nhật và nghiên cứu các quy định của luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành để áp dụng phù hợp trong quá trình thực thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.