Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý II-2024, giá nhà chung cư tăng khoảng 5-6,5% so với quý I-2024. Đà tăng mạnh tập trung ở một số dự án cũ, lên tới 30%.
Mặc dù giá nhà chung cư có dấu hiệu chững lại vào cuối quý II-2024 khi lượng giao dịch sụt giảm, song chung cư nói riêng, bất động sản nói chung vẫn liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới.
Trước đó, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng như các đơn vị quản lý, tư vấn bất động sản đều nhận định, ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhà ở giá rẻ đã vắng bóng, trong khi nhà ở có giá trung bình ít dần.
Trong nhiều lý do khiến giá bất động sản tăng, như nhu cầu nhà ở lớn trong khi nguồn cung hạn chế, còn có nguyên nhân đầu cơ và bất động sản bị làm giá. Điển hình là nhà đầu tư tham gia đấu giá đất, bỏ giá cao bất thường nhằm tạo ra giá tham chiếu, đẩy mặt bằng giá lên mức mới; tạo sóng ảo, mua đi bán lại nhiều lần một lô đất làm tăng giá nhà, đất xung quanh. Giao dịch nhà ở thứ cấp cũng bị môi giới, trung gian đẩy giá. Thậm chí cả chủ đầu tư cũng tìm cách tạo dư luận khan hàng, nhu cầu thị trường lớn, từ đó đưa ra giá bán cao. Vì thế giá bán chung cư thấp nhất hiện nay cũng bằng với chung cư cao cấp của 10 năm trước.
Các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản nhìn chung chưa có được sự ổn định. Giai đoạn từ năm 1991 tới 2000, giá nhà, đất tại các đô thị lớn đã tăng tới 100 lần nhưng sau đó rơi vào trạng thái “đóng băng”. Trạng thái “sốt nóng” lặp lại trong năm 2007-2008 và “đóng băng” lại tiếp tục trong giai đoạn 2009-2013. Sau khi phục hồi, từ năm 2018, thị trường bất động sản bước vào chu kỳ khó khăn, dự án đình trệ, giao dịch ít, nhà đầu tư thiếu vốn, song nghịch lý là giá nhà vẫn tăng nhanh. Trong khi rất nhiều người ước mơ có căn hộ chung cư nhỏ để ở thì không ít biệt thự, nhà liền kề lại bị bỏ hoang, không có người ở.
Rõ ràng, để giải quyết bất cập của thị trường bất động sản phải có quy định chống đầu cơ, làm giá. Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi được kỳ vọng thúc đẩy nguồn cung cho thị trường nhưng bên cạnh đó, rất cần điều chỉnh các sắc thuế liên quan đến bất động sản để hạn chế đầu cơ. Theo đó, người sở hữu nhiều nhà, đất, chủ đầu tư để nhà, đất, dự án bỏ hoang phải chịu thuế suất cao. Tương tự, thuế sẽ tăng dần với giao dịch nhà, đất mà người bán có thời gian sở hữu ngắn (chẳng hạn dưới 1 năm hoặc dưới 2 năm).
Thực tế, việc nghiên cứu đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên đã được các cơ quan, tổ chức, chuyên gia kiến nghị từ lâu. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy sử dụng sắc thuế là giải pháp hiệu quả giữ ổn định thị trường bất động sản trên nguyên tắc lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản ngang bằng lợi nhuận sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khác. Khi không dễ dàng làm giàu được từ nhà, đất thì thị trường bất động sản mới không bị méo mó bởi đầu cơ, làm giá; nhà, đất không bị bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực xã hội. Trong khi đó, Nhà nước có điều kiện phát triển loại hình nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp cho người thu nhập thấp…
Được biết, việc nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản dự kiến bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến, song vẫn cần có ý chí và quyết tâm cao để dự luật này được ban hành sớm, có hiệu lực sớm, không còn dừng ở kiến nghị như lâu nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.