Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chống” cũng có nghĩa là để “xây”

Lê Hoàng Anh - Lê Hương| 04/03/2012 07:12

(HNM) - Từ ngày 27 đến 29-2-2012, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc để quán triệt và triển khai nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Để Nghị quyết được triển khai thực hiện hiệu quả cao ngay từ cơ sở, tạo luồng sinh khí mới trong đời sống chính trị là mong muốn, là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô cùng cả nước. Đó cũng là chủ đề của cuộc đối thoại giữa phóng viên Báo Hànộimới và đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ, Hà Nội.


Phải làm quyết liệt với quyết tâm cao nhất

- Trực tiếp tham gia cùng BCH TƯ thảo luận những nội dung quan trọng đối với Đảng ta trong tình hình hiện nay, theo đồng chí, tinh thần cốt lõi của Nghị quyết TƯ 4 là gì?

- Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cá nhân tôi rất phấn khởi. Phạm vi của công tác xây dựng Đảng rất rộng lớn, nhưng lần này BCH TƯ đề cập 3 vấn đề cấp bách, đó là: (1) Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị. Trong 3 nội dung trên, Trung ương xác định vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất, theo tôi đây là vấn đề cốt tử, liên quan đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Đây cũng là những nội dung trọng yếu trong Chương trình công tác số 01 của Thành ủy Hà Nội khóa XV (nhiệm kỳ 2010-2015).

- Nghị quyết TƯ 4 được đưa ra vào thời điểm này là hết sức cần thiết, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật được thể hiện mạnh mẽ trong Nghị quyết. Đảng đặt vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở vị trí then chốt, tức là vừa giải quyết yêu cầu cấp thiết, nóng bỏng trước mắt vừa vì mục tiêu bền vững, lâu dài. Vì vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải luôn thường xuyên, liên tục?

- Xây dựng Đảng là một công tác thường xuyên, liên tục. Không phải bây giờ Đảng mới đặt vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ. Chỉ tính từ Đại hội VI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 8 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Đặc biệt là năm 1999, với việc ban hành Nghị quyết TƯ 6 (lần 2). Và lần này, trong một điều kiện mới, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm quyết liệt, với quyết tâm cao nhất. Khi đọc Hồ Chí Minh toàn tập, Bác đã căn dặn: “Đảng phải dành nhiều công sức xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý”.

- Muốn Đảng trong sạch, vững mạnh thì xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải là việc đặc biệt quan trọng và làm thường xuyên, liên tục - quan điểm đó đã thể hiện rất rõ. Vấn đề là nhân dân quan tâm việc tiếp nhận và triển khai thực hiện công tác đó ở cơ sở, ở từng đảng viên như thế nào để có hiệu quả thực sự, thưa đồng chí?

- Bài phát biểu khai mạc và bế mạc của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị TƯ 4, đặc biệt là hai bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc vừa diễn ra để quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết, có nội dung rất quan trọng. Tổng Bí thư nêu rõ, không phải chờ có kế hoạch mà bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần liên hệ và làm ngay. Với tinh thần đó, chúng tôi sẽ tiếp nhận toàn bộ hướng dẫn của TƯ và Thành ủy Hà Nội để triển khai tại địa phương mình bằng việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ban đảng, hệ thống chính trị cụ thể hóa tinh thần đó; đồng thời quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn.

- Về phương pháp thực hiện, Tổng Bí thư đã chỉ đạo, thận trọng nhưng phải có hiệu quả, vừa “xây” nhưng phải vừa “chống”. Theo đồng chí, cần phải hiểu vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, “xây” ở đây là thông qua tổ chức thực hiện Nghị quyết làm cho cán bộ, đảng viên nhận rõ trách nhiệm, thẩm thấu toàn diện tinh thần Nghị quyết trở thành nhận thức chính trị và chuyển biến về mặt tư tưởng, từ đó cụ thể hóa thành hành động. Điều quan trọng là, thông qua thực hiện Nghị quyết, nội bộ phải đoàn kết hơn, công tác chỉ đạo phải tốt hơn, chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ phải được nâng lên… Xác định rõ những điều chúng ta cần “xây” cũng chính là làm rõ những điều chúng ta cần “chống”.

Không phải là “Đóng cửa bảo nhau”

- Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh là phải khắc phục bệnh hình thức. Đối với cơ sở, đây là một vấn đề không đơn giản?

- Thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải là “đóng cửa bảo nhau”. Tôi nghĩ, cái gốc của vấn đề là qua thực hiện nghị quyết, các đồng chí trong cấp ủy và từng đảng viên như bản thân tôi phải thấy rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình là gì; khuyết điểm đó là về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống hay năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ… rồi thông qua tự phê bình và phê bình để có biện pháp khắc phục. Về cách làm, Chỉ thị số 15-CT/TƯ của Bộ Chính trị cũng đã nêu rất rõ.

- Quan điểm thống nhất như vậy, nhưng chúng ta đều thấy bệnh hình thức đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người, cán bộ, đảng viên không phải là ngoại lệ. Việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết mà mắc vào căn bệnh này thì rất nguy hiểm. Điều đó sẽ dẫn đến cách làm qua loa, đại khái để xong việc…

- Mỗi cán bộ cấp ủy phải tự điều chỉnh, quyết liệt vào cuộc và tăng cường kiểm tra, giám sát. Ngay như việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của từng cấp ủy, đảng viên, phải thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đánh giá mỗi cá nhân một cách toàn diện, chứ không thể coi như việc kiểm điểm đảng viên hằng năm. Bên cạnh đó cũng cần đề phòng việc lợi dụng kiểm điểm tự phê bình và phê bình để bè phái, cục bộ, hạ bệ đồng chí mình… Người đứng đầu cấp ủy cơ sở cần phải đầu tư suy nghĩ để lựa chọn biện pháp, lựa chọn thông tin, đưa ra tập thể bàn bạc thấu đáo, từ đó có những bước đi thận trọng, nhưng phải đạt yêu cầu. Cứ đặt tình huống, sau khi kiểm điểm có tin không tốt về một cán bộ, thì bản thân đồng chí bí thư phải thẩm định, chứng minh, công khai kết luận chuyện đó nhằm bảo vệ được đồng chí của mình nếu thông tin đó sai. Còn thông tin đó đúng thì phải có biện pháp xử lý về mặt tổ chức. Đây là việc khó nhưng tôi nghĩ tâm mình sáng thì không có điều gì ngại.

- Trong thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc Đảng đã khiến người dân giảm sút niềm tin vào Đảng. Thực tế đó đòi hỏi phải có biện pháp chấn chỉnh quyết liệt, nếu không thì lại diễn ra tình trạng lúc đầu thì hăng hái, sau lắng dần…?

- Chuyện về cán bộ này, cán bộ nọ mắc khuyết điểm không còn là cá biệt với địa phương, đơn vị nào. Quan điểm của tôi là nếu cán bộ sai phạm thì phải xử lý, không bao che. Thời gian qua, huyện Chương Mỹ đã có những đảng viên phải xử lý kỷ luật. Đợt bầu cử đại biểu HĐND các cấp và tiến hành kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh HĐND, UBND năm 2011, trong quá trình làm nhân sự chúng tôi phát hiện hai phó chủ tịch UBND xã vi phạm. Một người khi thẩm định hồ sơ phát hiện sử dụng văn bằng giả, huyện đã cách chức và kỷ luật; một người vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, phải xử lý kỷ luật cảnh cáo. Một trường hợp khác đánh bạc, bị công an bắt giữ, chúng tôi cũng đã kỷ luật. Các quyết định kỷ luật của Ban Thường vụ Huyện ủy đều được thông báo đến các tổ chức đảng. Điều đó vừa có tác dụng cảnh báo, vừa có tác dụng răn đe, tạo kênh dư luận giúp cho việc phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm.

Công tác cán bộ là yếu tố quyết định

- BCH TƯ Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ, trong hai năm nếu cán bộ không đủ năng lực lãnh đạo thì có thể thay thế chứ không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi. Thực tế ở nhiều nơi có những cán bộ, đảng viên năng lực hạn chế nhưng cơ sở rất khó đưa ra biện pháp giải quyết. Ở Đảng bộ huyện Chương Mỹ vấn đề này được xử lý như thế nào?

- Công tác cán bộ quyết định mọi thành bại của công việc. Đây cũng là một trong hai khâu đột phá của TP Hà Nội. Tuy nhiên, với tình hình của một huyện ngoại thành, chi phối bởi nhiều yếu tố như truyền thống, sự gắn kết lâu dài, quan hệ dòng tộc…, vì vậy để thổi một luồng gió mới, thay đổi nếp suy nghĩ cũ không phải dễ dàng. Khó, nhưng không có nghĩa thấy khó mà không làm.

- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về cách làm ở Chương Mỹ?

- Chúng tôi đặc biệt coi trọng tiêu chuẩn cán bộ. Có thể đồng chí này, đồng chí kia có đề xuất, nhưng nếu không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Thành ủy, dứt khoát không đưa vào cơ cấu. Qua đây, chúng tôi đã sàng lọc nội bộ, đồng chí nào ở cương vị lâu mà không chuyển biến tích cực thì phải luân chuyển. Ban đầu cơ sở cũng kêu ca cho rằng làm như thế thì cơ sở không có cán bộ. Nhưng quả thực nếu cơ sở không có cán bộ đủ tiêu chuẩn thì huyện sẵn sàng giới thiệu cán bộ về đảm nhiệm các chức danh. Cuối cùng cơ sở cũng tìm và giới thiệu được các đồng chí đủ tiêu chuẩn. Qua đó mới thấy, nếu cấp ủy cấp trên không quyết liệt thì cấp dưới không bao giờ đổi mới được, đặc biệt là công tác cán bộ.

- Đồng chí đã thực sự hài lòng về vai trò và năng lực lãnh đạo của các chi bộ cơ sở trên địa bàn huyện Chương Mỹ?

- Cơ sở đảng là nơi hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương nghị quyết của Đảng, biến tư tưởng thành hành động, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Mỗi đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình ở chi bộ. Vì vậy, sinh hoạt đảng quyết định đến chất lượng đảng viên, hoạt động của tổ chức bộ máy. Năm 2011, tôi đã trực tiếp dự sinh hoạt, kiểm tra sổ nghị quyết của các chi bộ, đối chiếu với các quy định, chỉ thị, nghị quyết của TƯ xem chi bộ đó có triển khai, quy trình sinh hoạt như thế nào, đồng chí bí thư cấp ủy điều hành ra sao? Theo đánh giá của tôi, trên 60% chi bộ Đảng ở nông thôn thực hiện sinh hoạt đảng đạt yêu cầu…

- Vậy còn gần 40% số chi bộ cơ sở - một con số không hề nhỏ?

- Nhiều chi bộ cơ sở sinh hoạt chưa đạt yêu cầu, điều đó thể hiện ngay ở cách ban hành nghị quyết, không thể hiện rõ vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ở địa phương, nhiệm vụ chính trị chính là việc phát triển KT-XH, xây dựng đường làng ngõ xóm, đoàn kết bà con làng xóm… Mặt khác, sinh hoạt đảng phải bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Tôi thấy, tính giáo dục và tính chiến đấu của một số chi bộ đang có hiện tượng suy giảm. Lớp đảng viên trẻ chưa mạnh dạn đấu tranh, đóng góp ý kiến xây dựng. Đây là vấn đề không chỉ của riêng các chi bộ thuộc huyện Chương Mỹ, cần phải nhanh chóng khắc phục.

- Là cán bộ của thành phố được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ, gần hai năm qua, đồng chí nhận xét thế nào về phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ địa phương?

 - Đã đổi mới nhiều, về cả tư duy điều hành, nhất là trong quản lý nhà nước, công tác đối nội, đối ngoại và tác phong của đội ngũ cán bộ. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của quá trình phát triển, đặc biệt là với một huyện ngoại thành của Thủ đô đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ.

- Quá trình triển khai các khâu của công tác cán bộ không tránh khỏi sự va chạm. Bí thư Huyện ủy, lại là nữ, trẻ tuổi, đồng chí có gặp nhiều khó khăn trong công tác lãnh đạo?

- Có lãnh đạo cấp cao, cán bộ hưu, thậm chí người dân cũng hỏi tôi như vậy. Tôi có may mắn và thuận lợi vì Chương Mỹ cũng là quê hương của tôi, các thế hệ cán bộ nhiều người biết tôi, có nhiều bác từng đào tạo, giúp tôi trưởng thành. Tuy nhiên, không phải không có những khó khăn. Được tiếp cận những quan điểm, tư tưởng mới của TƯ, Quốc hội, thành phố nhưng làm thế nào để đem những tư tưởng ấy thổi vào huyện, biến những chủ trương của cấp trên thành nhận thức, tổ chức thực hiện, tạo nên chuyển biến ở địa phương, là việc không dễ dàng gì. Đây là điều tôi luôn trăn trở. Với sự cầu thị của mình, tôi đã và đang cùng với cấp ủy huyện cố gắng tạo nên sự chuyển biến.

- Chúng tôi nghĩ, nếu Đảng bộ huyện Chương Mỹ nói riêng, Đảng bộ thành phố Hà Nội nói chung thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 4 thì sẽ tác động rất tích cực, tạo đà thuận lợi cho việc triển khai Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020.

- Tôi hoàn toàn nhất trí. Tạo được chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ tác động rất tích cực đến nhiệm vụ phát triển KT-XH. Phát triển kinh tế là vấn đề trung tâm, xây dựng đảng là vấn đề then chốt.

- Xin chúc mừng cá nhân đồng Bí thư Huyện ủy nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3; Cảm ơn đồng chí về những nội dung trao đổi.

Đảng bộ huyện Chương Mỹ có 64 tổ chức cơ sở Đảng (65% đạt trong sạch vững mạnh) với hơn 8.400 đảng viên. Chọn công tác cán bộ là một trong hai khâu đột phá, Huyện ủy đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2010-2015: Hoàn thiện các quy định tiêu chuẩn chức danh cho từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị và tạo bước chuyển trong các khâu tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày càng được nâng cao. Trong 863 đại biểu HĐND xã, thị trấn, số nữ và trẻ tuổi đều chiếm hơn 17%; cơ bản cán bộ chủ chốt cấp xã đạt chuẩn về trình độ văn hóa. Huyện ủy đã xây dựng và triển khai 14 đề án, chương trình công tác, trong đó tập trung quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chống” cũng có nghĩa là để “xây”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.