Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống chọi băng tan nhanh chưa từng có ở đảo băng lớn nhất thế giới

Theo Duy Anh/Zing| 12/01/2019 14:28

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, băng tan nhanh chưa từng thấy khiến người dân trên đảo Greenland phải thay đổi lối sống truyền thống đã có từ hàng trăm năm.


Ẩn mình sau những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ và biển nước lạnh giá, thị trấn Tasiilaq tại miền Nam đảo Greenland là nhà của khoảng 2.000 cư dân. Tại đây, những ngôi nhà đủ màu sắc nổi bật giữa sắc trắng của băng tuyết, dẫu rằng băng đang tan ở mức nhanh chưa từng có trong lịch sử, hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Ảnh: Reuters.


Khác với nhiều nơi trên thế giới, biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động lập tức và gây ảnh hưởng ngày càng rõ rệt đến đời sống tại Tasiilaq, cũng như trên toàn bộ hòn đảo nằm gần Bắc Mỹ nhưng thuộc chủ quyền Đan Mạch. "Không còn nhiều tuyết nữa, thời tiết quá nóng và nước thì không đóng băng", người đàn ông 40 tuổi tên Julius Nielsen nói với Reuters. Ảnh: Reuters.


Julius Nielsen đã dành cả cuộc đời để săn bắt và đánh cá tại đảo băng lớn nhất thế giới. Với Nielsen và nhiều thợ săn khác, tình trạng băng bao phủ mặt hồ, mặt biển quá mỏng khiến họ không thể đi săn cùng những con chó kéo xe như truyền thống hàng trăm năm và phải tìm những tuyến đường đi săn mới. Ảnh: Reuters.


"Năm này qua năm khác, chúng tôi thấy các núi băng, thềm băng và những ngọn núi tuyết cứ tan chảy dần dần. Những gì tổ tiên truyền lại nay đã biến mất và chúng tôi không thể mang chúng trở lại", ông Nielsen cho biết. Ảnh: Reuters.


Giữa những nỗi lo vì băng tan làm đảo lộn cuộc sống, người dân ở Greenland vẫn nhìn thấy những cơ hội. Băng tan sớm hàng năm cho phép những người kinh doanh dịch vụ du lịch bằng tàu biển kéo dài thời gian hoạt động hơn trong quá khứ. Thay vì chỉ có 3 tháng, nay chúng tôi có thể đi trên du thuyền 4 hay thậm chí 5 tháng mỗi năm", Lars Moeller, người điều hành hãng du lịch Artic Dream, cho biết. Ảnh: Reuters.


Băng tan nhanh cũng khiến các du khách hối hả đi thăm các núi băng, thềm băng trước khi chúng biến mất. "Hãy đi xem các núi băng trước khi quá muộn, đó là điều tôi nghe được từ các du khách hết lần này tới lần khác", Moeller tiết lộ. Ảnh: Reuters.


Với người dân Greenland, đa phần họ cảm thấy bi quan trước các tác động của biến đổi khí hậu. Một khảo sát từ Đại học Copenhagen cho thấy 40% người dân đánh giá cuộc sống bị tác động tiêu cực, trong khi chỉ 10% tin rằng biến đổi khí hậu mang lại lợi ích cho họ. Ảnh: Reuters.


"Kết quả khảo sát cho thấy biến đổi khí hậu tác động tới từng cá nhân sống tại đây, 8 trên 10 người được hỏi cho biết đã trực tiếp trải qua tác động của nó", Kelton Minor, giáo sư tại Đại học Copenhagen, cho biết. Ảnh: Reuters.


Các nhà khoa học tin rằng tình trạng ấm lên toàn cầu đang đẩy nhanh quá trình tan băng tại các vùng cực và các cấu trúc một thời là băng vĩnh cửu, làm trầm trọng thêm tình trạng nước biển dâng toàn cầu. Ảnh: Reuters.


Tháng 10-2018, Liên hợp quốc kêu gọi các nước có biện pháp giới hạn nhiệt độ Trái đất chỉ tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm giảm nhẹ tình trạng nước biển dâng, lũ lụt cũng như tác động của biến đổi khí hậu lên hệ sinh thái toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần cắt giảm 45% lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030 so với mức của năm 2010. Ảnh: Reuters.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống chọi băng tan nhanh chưa từng có ở đảo băng lớn nhất thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.