Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống bệnh hình thức trong sinh hoạt Đảng

Đức Tâm| 10/12/2018 06:42

(HNM) - Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”,

Chất lượng sinh hoạt chi bộ sẽ góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt tại Đảng bộ xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất). Ảnh: Nhật Nam


Điều lệ Đảng ghi rõ: Chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở được tổ chức theo nơi làm việc hoặc nơi ở của đảng viên... Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên...

Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ nền nếp, đúng nội dung, nguyên tắc, quy trình, tuân thủ chặt chẽ các khâu, các bước mà Đảng đã quy định và hướng dẫn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hiệu quả tập hợp đảng viên nâng lên.

Đồng thời, giúp đảng viên quán triệt và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước, nghị quyết các cấp và là cơ hội, điều kiện để bồi dưỡng niềm tin cho đảng viên... Qua đó, củng cố tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, xây dựng chi bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức.

Tuy nhiên, trong thực tế, do việc tổ chức sinh hoạt ở nhiều chi bộ chưa thực chất đã khiến tính hình thức trong sinh hoạt Đảng tăng lên. Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ không sát thực tế, thậm chí còn xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình là cực kỳ nguy hiểm.

Điều này đã khiến nhiều mặt công tác lãnh đạo của chi bộ bị xem nhẹ, nhất là trong việc quản lý tư tưởng, đạo đức, chấp hành kỷ luật, pháp luật và các mối quan hệ của đảng viên bị buông lỏng. Do làm không tốt việc sinh hoạt chi bộ nên việc xây dựng đội ngũ đảng viên đã nới lỏng tiêu chí kết nạp Đảng so với quy định.

Và như vậy, chi bộ trở thành bình phong để những kẻ cơ hội có chỗ núp bóng, chờ thời cơ để đạt mưu đồ riêng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tính trung thực của một bộ phận đảng viên bị lép vế, nhường chỗ cho những vụ lợi, toan tính cá nhân có điều kiện bùng phát.

Không quá khó để nhận diện việc sinh hoạt chi bộ nặng hình thức. Đó là, một số chi bộ sinh hoạt thiếu nền nếp; việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt chung chung. Hiện tượng chi bộ tổ chức sinh hoạt thường kỳ không đều đặn và không tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTƯ ngày 2-3-2012 và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTƯ ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương là khá phổ biến.

Hiện tượng sổ ghi biên bản sinh hoạt cấp ủy và chi bộ hời hợt, thậm chí mang tính hoàn thiện, hợp thức hóa nhằm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan Đảng cấp trên đã từng xảy ra. Nội dung các ý kiến phát biểu ghi trong biên bản cũng chung chung, thiếu phân tích, luận giải và đặc biệt là thiếu tính chiến đấu... rất phổ biến ở nhiều chi bộ.

Đối với chi bộ tổ dân phố và vùng nông thôn thì ít bàn tới các giải pháp lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh, trật tự, phát triển văn hóa, thay vào đó hướng nội dung thảo luận tới những vấn đề xa vời, thuộc tầm lãnh đạo chiến lược; những vấn đề vĩ mô... Chi bộ ở một số cơ quan sự nghiệp lại nặng về công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà ít bàn đến công tác lãnh đạo xây dựng chi bộ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống...

Có những nơi còn coi vấn đề lối sống là chuyện cá nhân nên tránh không đề cập. Tình trạng sinh hoạt chi bộ lồng ghép với sinh hoạt cơ quan trong 5 - 10 phút không hiếm. Đáng chê trách hơn là hiện tượng, chi bộ mời một hoặc nhiều quần chúng tham gia và phát biểu, trong khi đảng viên lại không phát biểu.

Chính sự thiếu nghiêm túc trong việc thu xếp thời gian sinh hoạt, chuẩn bị nội dung sinh hoạt dẫn đến tình trạng cả bí thư, cấp ủy và đảng viên đều coi sinh hoạt chi bộ chỉ là việc hợp thức cho xong, nhằm đối phó với cấp trên.

Một thực trạng nữa là nhiều chi bộ đánh giá sơ sài hoặc không đánh giá trong nghị quyết thường kỳ về tình hình tư tưởng đảng viên gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao nhận thức cho đảng viên. Việc khơi gợi phát biểu, tập trung thảo luận các vấn đề trong sinh hoạt chi bộ còn nhiều hạn chế đã làm cho tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình giảm sút nghiêm trọng.

Tình trạng “không động chạm”, “muốn yên thân”... thường thấy ở không ít chi bộ và nếu lãnh đạo có dấu hiệu làm sai cũng không được góp ý. Tính chiến đấu trong sinh hoạt bị triệt tiêu, khiến các đảng viên không quan tâm, không coi trọng, không nêu ý kiến chủ quan cá nhân đến từng công việc cụ thể của tập thể.

Trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ cấp ủy, bí thư, phó bí thư về công tác lãnh đạo, xây dựng chi bộ còn hạn chế. Thực tế cho thấy, việc không phân biệt được nội dung khác nhau giữa công tác lãnh đạo của chi bộ với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ lãnh đạo đã làm cho việc sinh hoạt chi bộ bị “lái” sang nhiều vấn đề khác, chủ yếu là chú trọng vào chuyên môn.

Ở nhiều chi bộ, đồng chí bí thư điều hành sinh hoạt chi bộ còn lúng túng, thiếu phương pháp khoa học, dàn trải, không đúng nguyên tắc, còn mang nặng tính áp đặt... dẫn tới đảng viên dự sinh hoạt hoặc chán nản hoặc đồng ý cho “đỡ mệt người”. Chất lượng “uy tín thật” của nhiều bí thư chi bộ hiện nay đang bị nhường chỗ cho “uy tín sắp đặt”.

Sau sinh hoạt cấp ủy, bí thư không phân công, giao nhiệm vụ cụ thể để biến chương trình, nghị quyết thành hành động, trong khi đây chính là cơ sở quan trọng để sinh hoạt lần sau làm căn cứ để kiểm điểm các nội dung đã phân công, đánh giá công việc làm được đến đâu, hiệu quả ra sao.

Chính từ tình trạng không tổ chức đánh giá công việc; làm tốt không được khen thưởng, động viên; làm không tốt không bị phê bình, kỷ luật; công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều tổ chức Đảng chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ... khiến chất lượng sinh hoạt chi bộ thấp, hoạt động của cơ quan, đơn vị kém hiệu quả.

Hậu quả là, chất lượng lãnh đạo của chi bộ không cao; đảng viên không quán triệt được tinh thần các chủ trương của đảng ủy cấp trên, không nắm được tình hình triển khai công việc cụ thể của chi bộ, cấp ủy. Bí thư cũng không nắm được tâm tư nguyện vọng, diễn biến tâm lý của đảng viên, không đề ra được các giải pháp cụ thể cho những vấn đề hạn chế của chi bộ.

Nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"... Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn...

Vì vậy, hơn ai hết, từng chi bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện giải pháp: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống bệnh hình thức trong sinh hoạt Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.