Dậy từ sáng sớm xếp hành lý sau đó đưa con đi học rồi tới chỗ làm như mọi khi, anh Tùng cảm thấy bồn chồn, cố gắng làm nốt những việc dang dở để được về quê.
"Nghĩ tới việc bố mẹ ở quê đang mong ngóng, rồi cảnh thằng cu con 3 tuổi được trở về với ông bà, chạy loăng quăng khắp sân chơi đùa... tự dưng cảm thấy sốt ruột muốn về", Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Quê Triệu Sơn, Thanh Hóa, công việc của cả hai vợ chồng ở Hà Nội khá bận rộn, con nhỏ lại hay ốm nên một năm vợ chồng Tùng chỉ đưa con về quê khoảng 3 lần. Lần này do Tết dương lịch được nghỉ dài nên anh thu xếp để gia đình về thăm ông bà nội ngoại hai bên.
"Giờ ở nhà chỉ còn bố mẹ mình ở cùng bà nội nên các cụ mong con cháu về lắm. Từ cả tuần rồi, ngày nào ông bà cũng gọi điện hỏi thăm khi nào hai đứa đưa con, rồi về bằng phương tiện gì, dặn nhớ ủ ấm cho thằng bé...", anh Tùng kể.
Anh cho biết, Tết dương lịch gia đình mình về quê với hành lý khá đơn giản, chỉ có vali quần áo, những món quà nhỏ biếu ông bà chứ không lỉnh kỉnh như tết âm. Vợ chồng anh cũng lường trước được việc đi lại tàu xe dịp này khó hơn nên đã đặt ghế trước của xe quen để đi lại cho thuận lợi.
"Cuối năm, mình muốn cố gắng hoàn thành mọi việc cho xong xuôi để về nhà nghỉ ngơi được thoải mái và tuần sau đi làm mở màn cho năm mới thật suôn sẻ. Dù vậy, vẫn thấy nóng lòng mong nhanh tới buổi chiều để được về nhà ăn bữa cơm đoàn tụ với bố mẹ, gặp gỡ bạn bè, đưa con đi chơi...", anh Tùng chia sẻ.
Nghỉ Tết dài ngày là dịp nhiều gia đình đưa con về quê đoàn tụ. Ảnh: Trí Tín. |
Nếu như những năm trước, vào dịp nghỉ lễ dài ngày như Tết dương lịch năm nay, chị Linh (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) thường đang trên máy bay hay ngồi sau xe máy ai đó vi vu đi khám phá miền đất mới thì năm nay, kế hoạch ngày cuối năm của chị khác hẳn. "Hôm nay, mình sẽ bế cô con gái 6 tháng tuổi lên phố Đinh Lễ mua sách cho hai mẹ con, sau đó ngồi uống cà phê với vài người bạn thân, về ăn bữa cơm đoàn viên cùng đại gia đình rồi rúc vào chăn ấm xem phim với 4 đứa cháu", chị Linh kể.
Chị có thói quen, cuối năm nào cũng sẽ làm một bảng tổng kết để nhìn lại mình một năm qua, từ công việc, tới gia đình, tiền bạc, đi lại, tình yêu, rồi đưa ra những kế hoạch cho năm tới. Với chị, việc sinh cô công chúa nhỏ đã đánh dấu mốc đặc biệt trong năm qua. Nghỉ sinh đi liền với thất nghiệp nhưng bà mẹ đơn thân cho biết, việc có con cho chị nhiều trải nghiệm và cảm xúc mới mẻ, tuyệt vời. Không tất bật với các bữa tiệc lớn, tiệc nhỏ cùng bạn bè, đồng nghiệp rồi hăng hái chuẩn bị đồ đạc cho các chuyến du hí như trước kia, chị dành thời gian hoàn toàn cho con. Chị coi cô con gái nhỏ là của để dành quý giá nhất của cuộc đời và ở bên con đã là một niềm vui lớn.
"Ngày hôm nay thật đẹp. Nắng vàng và ấm áp. Bế con trong tay, mình cảm thấy rất hạnh phúc và tràn đầy hy vọng ở một năm mới nhiều may mắn, niềm vui", chị Linh chia sẻ. Dù được mệnh danh là "chân chạy" với những chuyến đi bất tận" và riêng năm nay phải bỏ mất ba chuyến đi Nepal, Đài Loan, Hàn Quốc và vô số chuyến đi trong nước, nhưng chị không hề tiếc nuối vì "đợi con cứng cáp hơn sẽ đưa bé đi cùng trong những chặng đường khám phá tiếp theo".
Cuối năm là thời điểm mọi người thường chiêm nghiệm, nhìn lại một năm đã qua. Trong khi nhiều người hạnh phúc đếm những niềm vui, các bước thành công của bản thân thì cũng không ít người cảm thấy man mác, tiếc nuối khi phải trải qua những mất mát hay đổ vỡ.
"Ngay lúc này, chỉ muốn bay thật nhanh về nhà, để làm ấm lên căn bếp đìu hiu, để được nhìn thấy khuôn mặt xanh xao, khắc khổ của bố nở nụ cười ấm áp khi mấy đứa cháu ríu rít ùa vào lòng, để có được cảm giác mẹ vẫn còn đâu đây", chị Khánh Hà (Gia Lâm, Hà Nội) rưng rưng khi chia sẻ cảm xúc ngày cuối năm.
Mấy tháng trước, mẹ chị mất vì căn bệnh ung thư. Từ đó, bố chị một mình lủi thủi trong gian nhà vắng. Vợ chồng chị lập nghiệp và có nhà riêng ở Hà Nội, công việc bận rộn, lại có hai con nhỏ nên thi thoảng mới về quê được. "Nhiều lúc gọi điện về chẳng nói được gì vì cổ họng nghẹn lại. Chỉ mong những dịp nghỉ dài ngày thế này để đưa các con về với ông", chị Hà kể.
Với chị, 2014 là một năm nhiều biến cố và nước mắt. Gần giữa năm, mẹ chị phát hiện mắc bệnh và qua đời sau đó 3 tháng. Đó là chuỗi ngày chị cùng gia đình trải qua đủ các cung bậc cảm xúc từ hoang mang, lo lắng đến mệt mỏi, căng thẳng, buồn đau, tuyệt vọng... "Sự mất mát năm qua quá lớn, không gì bù đắp được, nhưng dẫu sao, năm mới sắp đến, mong mọi điều sẽ may mắn và sáng sủa hơn. Mình cũng biết trân trọng hơn cuộc sống và cố gắng quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho những người thân", chị Hà bộc bạch.
Quê ở Nam Định, đang làm việc tại Sài Gòn, Tết dương lịch chỉ được nghỉ một ngày 1/1 nên Dũng không thể về quê hay đi đâu xa. Sau ca làm đêm, thức dậy vào buổi sáng muộn ngày cuối năm, chàng trai 28 tuổi bỗng thấy nhớ nhà da diết, thèm được nghe tiếng đằng hắng của bố, tiếng lách cách với bát đũa, nồi niêu của mẹ, tiếng mấy đứa cháu chí chóe trêu nhau... Cũng là dân mê phượt, Dũng thèm cảm giác được đèo cô bạn gái lang thang trên cung đường ghập ghềnh, tới những miền đất hoang sơ, thấm đẫm cái lạnh sương đêm miền núi hay đón bình minh nắng ấm ở một lung lũng cỏ lau.
"Em ở Sài Gòn vài tháng rồi nhưng vẫn thấy lạc lõng với cuộc sống gấp gáp nơi đây. Cuối năm phố sá tấp nập nhưng lòng mình vẫn thấy trống trải và càng nhớ nhà, nhớ người yêu hơn", Dũng chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.