Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chọn mặt” nhưng chưa thể “gửi vàng”

Thùy An| 30/07/2015 06:44

(HNM) - Kết quả Giải vô địch bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2015 một lần nữa cho thấy sức mạnh của những trung tâm đào tạo bóng bàn hàng đầu cả nước. Vấn đề là đội tuyển trẻ quốc gia tập trung sau giải này có thu hút được tất cả tay vợt tốt nhất hiện nay?

VĐV Phạm Thị Thu Hương (T&T) vô địch đơn nữ trẻ 2015. Ảnh: Tiến Hùng



Trước thềm Giải vô địch bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2015, người trong nghề đã đánh giá cao các trung tâm mạnh như T&T, Hải Dương, Hà Nội, Quân đội, TP Hồ Chí Minh. Kết quả của giải đấu mang tính kiểm tra, đánh giá công tác đào tạo trẻ trong năm của bóng bàn Việt Nam đã đúng như dự đoán. CLB T&T với sự bài bản, nghiêm túc tiếp tục đứng đầu trên bảng tổng sắp toàn đoàn. Các học trò của tay vợt nổi tiếng một thời Vũ Mạnh Cường dẫn đầu toàn đoàn với 7 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ. Lò đào tạo Hải Dương xếp thứ hai với 4 HCV, 5 HCB, 2 HCĐ. Lò luyện T&T và Hải Dương có đến 2/3 tổng số HCV của giải. Số HCV còn lại thuộc về TP Hồ Chí Minh (2 HCV), Hà Nội, Bộ Công an, Lâm Đồng (cùng 1 HCV).

Điều đáng nói ở đây là cả T&T và Hải Dương đều tự thân vận động với lò đào tạo trẻ của mình trong nhiều năm qua. Những "sản phẩm" của họ phát triển ổn định và trong tương lai không xa, sẽ là những tay vợt trụ cột trong làng bóng bàn Việt Nam. Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh cũng có cách phát triển dựa hoàn toàn vào tiềm lực của mình. Trong khi đó, đội tuyển trẻ quốc gia được Nhà nước đầu tư "mạnh" lại không gặt hái thành tích như các trung tâm đào tạo trên. Chỉ riêng nội dung đơn, đa số VĐV có tên ở đội tuyển trẻ đều dừng bước ở vòng 16 tay vợt mạnh nhất. Đây cũng là điều đã được dự báo, bởi lẽ từ nhiều năm qua, chất lượng đào tạo ở đội tuyển trẻ quốc gia có không ít vấn đề, dù Tổng cục TDTT dồn không ít kinh phí. Đây có thể xem là sự lãng phí lớn khi các CLB đào tạo trẻ có triển vọng, không được đầu tư đúng mức, còn nơi được đầu tư "mạnh" thì không mang lại hiệu quả tương xứng. Dễ nhận thấy nhất là ở Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2014, không có tay vợt nào của đội tuyển trẻ góp mặt. Đến giải 2015, chỉ có 4 tay vợt được chọn vào đội hình dự giải trẻ Đông Nam Á, chiếm 1/3 tổng số VĐV Việt Nam.

Vấn đề đáng nói hơn, nhiều năm qua, cả T&T và Hải Dương không cử quân lên tập trung ở đội tuyển trẻ quốc gia bởi họ lo ngại "hỏng quân" do môi trường tập luyện (cả về cơ sở vật chất, nền nếp sinh hoạt, chất lượng các VĐV được gọi lên tuyển) được nhận định là thua xa CLB. Trước giải này, có thể một số tay vợt trong danh sách đội tuyển trẻ không được gọi tập trung trong đợt tới do không đáp ứng yêu cầu của Ban huấn luyện mới (được hình thành từ đầu năm 2015). Kết quả tại giải trẻ vừa qua một lần nữa chứng minh nhận định trên là đúng khi số VĐV này đều không thi đấu thành công, thua sút nhiều đối thủ cùng trang lứa được đào tạo ở CLB. Cũng vì thế, ở đợt tập trung đội tuyển trẻ quốc gia tới, vấn đề làm thế nào để tập trung các tay vợt mạnh nhất, phục vụ cho công tác đào tạo lớp VĐV kế thừa cho đội tuyển quốc gia là câu hỏi phải được giải quyết.

Cái khó của người phụ trách đội tuyển trẻ quốc gia trong thời gian tới là phải thuyết phục được những CLB có VĐV giỏi tin rằng đội tuyển đang có những thay đổi mạnh mẽ, triệt để. Một HLV ở đội tuyển trẻ quốc gia cho biết, sẽ thuyết phục các CLB bằng chính cái tâm, sự nhiệt tình của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chọn mặt” nhưng chưa thể “gửi vàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.