(HNMO) - Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành có 3 người cholesterol máu cao (chiếm 30%). Điều đáng nói, gần 50% người trưởng thành sống ở thành thị bị mỡ máu cao, trong đó, thừa cholesterol do chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý là nguyên nhân chính.
Tuy nhiên, người Việt có quan điểm sai lầm khi cho rằng, để giảm cholesterol, ngừa mỡ máu cao thì cần loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn.
Sáng 25-8, tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Báo động thực trạng thừa cholesterol - hệ lụy và giải pháp”.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo cho thấy, cholesterol là một loại chất béo thiết yếu trong cơ thể. Tuy nhiên, cholesterol cao lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh lý về tim mạch, động mạch vành, thậm chí đột quỵ.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế (Bệnh viện Phổi trung ương), tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành có 3 người bị cholesterol máu cao (chiếm 30%), ở thành thị là 44,3%. Hơn 50% phụ nữ 50-65 tuổi bị thừa cholesterol máu. Nguyên nhân người thành thị bị cholesterol, mỡ máu cao là do thói quen ăn ở nhà hàng; trẻ ăn ít rau, trái cây, ăn nhiều đồ chiên rán, ít hoạt động thể lực.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cũng cho rằng, gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao, trong đó, thừa cholesterol do chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Mỡ máu cao đã và đang trở thành vấn đề báo động, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng cộng đồng vẫn chưa được trang bị kiến thức đúng đắn. Trong khi tình trạng này có thể dự phòng và kiểm soát được thông qua chế độ dinh dưỡng và vận động.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã cập nhật các khuyến nghị dinh dưỡng mới nhất dành cho người bị thừa cholesterol máu từ các tổ chức quốc tế cũng như tại Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, quan điểm sai lầm của người Việt cho rằng để giảm cholesterol, ngừa mỡ máu cao thì cần loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn. Đây là quan niệm không đúng vì chất béo là một nhóm chất thiết yếu mà cơ thể cần bổ sung mỗi ngày với hàm lượng hợp lý. Nhiều chế độ ăn tốt cho sức khỏe trên thế giới cũng nhấn mạnh đến việc không cần thiết phải kiêng sử dụng chất béo hoàn toàn.
“Thay vì loại bỏ, chúng ta cần chọn lọc nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe để nạp vào cơ thể. Cụ thể, nên hạn chế sử dụng nguồn chất béo từ phủ tạng động vật, mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp... Thay vào đó, cần tăng cường bổ sung nguồn chất béo có lợi, được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như: Cá hồi, cá trích; trong quả bơ, ô liu; trong các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương... Ưu tiên sử dụng các loại dầu ăn có chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol và Phytosterol vì còn có khả năng giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm”, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn cho biết.
Ông Trương Hồng Sơn cũng đưa ra gợi ý về thực đơn chuẩn LIGHT dành cho người bị mỡ máu cao, dựa trên 5 nguyên tắc: L - Lựa chọn chất béo có lợi; I - Ít tiêu thụ da mỡ, nội tạng động vật; G - Giảm muối khi nấu nướng; H - Hạn chế rượu, bia; T - tăng cường rau xanh, ngũ cốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.