(HNM) - Cuộc chia tay giữa HLV T.Miura và LĐBĐ Việt Nam (VFF) diễn ra trong êm thấm. VFF đã chuyển hướng tìm HLV nội cho các đội tuyển quốc gia và U23 nhằm tạo ra những đội tuyển có bản sắc, có thể
HLV người Nhật Bản T.Miura (người chỉ tay) đã chia tay Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam. |
Chín HLV ngoại đã đến làm việc cho đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam trong hơn 20 năm qua, trong đó người mới nhất là HLV Nhật Bản T.Miura. Trong 9 HLV ấy, có người đã nắm quyền ở các đội tuyển tới 2 lần, như HLV A.Riedl và H.Calisto. Mỗi HLV ngoại mang đến trải nghiệm khác nhau cho bóng đá Việt Nam, thất bại có mà thành công cũng có, đáng kể nhất là chức vô địch AFF Cup năm 2008.
Tuy nhiên, về cơ bản, các HLV ngoại chưa đem lại cho đội tuyển sự ổn định ở trình độ cao, chưa hoàn thành một số mục tiêu quan trọng, đặc biệt là chức vô địch SEA Games. Đó có thể là nguyên nhân khiến VFF phải nói lời chia tay với khá nhiều người trong 20 năm qua, đã có lúc chuyển hướng sang các HLV nội, mong đạt được thành công như bóng đá Malaysia trong giai đoạn 2010-2013. Tuy nhiên, sau thất bại của đội tuyển dưới bàn tay chèo lái của HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc (giai đoạn 2012-2013), VFF lại phải trở về với "phương án ngoại".
VFF hướng đến nguồn HLV Nhật Bản với hy vọng nâng cấp chất lượng của các đội tuyển, giúp các tuyển thủ Việt Nam định hình một lối chơi dựa trên kỹ thuật và tốc độ như các đội tuyển Nhật Bản đang thể hiện. Dưới thời vị HLV người Nhật Bản T.Miura, các đội tuyển được nâng cấp một bước, chủ yếu về tính chuyên nghiệp, tinh thần kỷ luật và đặc biệt là thể lực của các tuyển thủ tỏ ra hơn hẳn so với trước. Tuy thế, lối chơi của đội tuyển khá nghèo nàn, chiến thuật đề ra thường không giúp cầu thủ (đặc biệt là loạt cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai) phát huy hết khả năng kỹ thuật.
Sau khi Đội tuyển U23 Việt Nam bị loại sớm tại vòng chung kết U23 Châu Á 2016 sau ba trận toàn thua, ông T.Miura chia tay bóng đá Việt Nam trước khi hợp đồng kết thúc. Đến lúc này, VFF lại quay về phương án sử dụng HLV nội khi cho rằng bóng đá Việt Nam đang sở hữu nhiều HLV có tài như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Anh Tuấn, những người có thể giúp tạo ra lối chơi phù hợp với cầu thủ Việt Nam.
Trong số này, HLV Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng được đánh giá cao hơn cả. Cả hai đều đã chứng tỏ được khả năng trong nhiều năm qua, từng đưa CLB do mình dẫn dắt lên ngôi vô địch quốc gia. Họ cũng có những phẩm chất của một HLV hiện đại như vốn ngoại ngữ phong phú, biết tiếp cận phương pháp huấn luyện tiên tiến và có cái uy với cầu thủ. Quan trọng hơn cả, họ hiểu được những mặt mạnh, yếu của cầu thủ Việt Nam, đủ khả năng đề ra lối chơi dựa trên yếu tố kỹ thuật, khả năng di chuyển không bóng thông minh...
Một vòng quay mới lại bắt đầu với phương án sử dụng HLV nội. Tuy vậy, cần phải nói rằng phương án sử dụng HLV trong nước không phải là sự bảo đảm cho thành công tất yếu của các đội tuyển quốc gia trong tương lai. Như HLV Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng đã phải ra đi dù thất bại tới không hẳn vì họ kém tài. Điều quan trọng là các HLV phải được tin tưởng trong một kế hoạch dài hơi, hướng đến sự thay đổi mang tính nền tảng thay vì mục tiêu giành huy chương ngay lập tức và đội tuyển cũng như HLV trở thành nơi để nhà quản lý trút trách nhiệm sau mỗi thất bại. Nếu không bảo đảm cho các HLV có đủ điều kiện để xây dựng đội tuyển thì chắc chắn VFF sẽ còn loay hoay với "bài toán nội hay ngoại".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.