(HNM) - Hôm nay (25-1), lễ hội
Hoa sen hồng đang chiếm tỷ lệ cao hơn các loài hoa khác về bầu chọn “Quốc hoa”.
"Quốc hoa" - sự ưu ái dành cho sen hồng
Tháng 4-2010, đề án "Quốc hoa" Việt Nam chính thức ra đời với rất nhiều đề xuất. Người thì bảo nên chọn hoa mai, hoa sen, người lại nghiêng về hoa đào, loại hoa đẹp và ý nghĩa. Rồi còn cả chục "ứng cử viên" khác mà qua ý kiến tranh luận thì thấy hoa nào cũng đẹp, cũng xứng đáng cả.
Bộ VH,TT&DL đã tổ chức bình chọn "Quốc hoa" trên mạng internet. Hết tháng 12-2010, sen hồng đang chiếm ưu thế với 40,3% số ý kiến bình chọn, tiếp đó là hoa mai với 33,6%. Hoa đào chỉ có 8,2% và loại hoa được ít người bình chọn nhất là hoa súng với 0,6%. Trên cơ sở đó, tại lễ hội lần này, BTC hướng người dân bình chọn cho sen hồng bằng việc tổ chức các triển lãm hoa sen trong tâm linh văn hóa, hoa sen trong mỹ thuật truyền thống người Việt qua các thời Lý, Trần, Lê… Từ 1,5 vạn đến 2 vạn phiếu điều tra xã hội học với những câu hỏi "đóng" như "đồng ý" hay "không đồng ý" bình chọn sen hồng là "Quốc hoa", thay cho câu hỏi mở với nhiều lựa chọn như trước đây, sẽ được phát tới nhân dân. Sau lễ hội, BTC sẽ lấy ý kiến bình chọn cho sen hồng tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Tiến Thọ, việc lựa chọn sen hồng là "Quốc hoa" mang nhiều ý nghĩa giáo dục. Trước sự băn khoăn của dư luận về hoa sen đã được nhiều nước chọn làm biểu trưng của nước mình ông Nguyễn Trung Nhật, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm khẳng định: "Hoa sen cũng là Quốc hoa của Ấn Độ và Thái Lan, tuy nhiên nước bạn chọn biểu trưng là sen trắng".
Cần thiết phải có "Quốc phục"
Dịp này, BTC lễ hội "Hoa xuân và đồ uống Tết" còn dành không gian để trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến trang phục Việt Nam qua các thời kỳ theo nhiều chủ đề như: "Một số hình ảnh, tư liệu về triều phục các thời Lý - Trần - Lê"; "Trang phục, lễ phục vua quan triều Nguyễn"; ngoài ra, BTC còn giới thiệu hình ảnh, tư liệu về trang phục, lễ phục đã được sử dụng tại một số hội nghị quốc tế quan trọng tổ chức tại Việt Nam và lễ hội Đền Hùng… Đây là bước chuẩn bị cho việc xây dựng đề án "Quốc phục".
Nhiều ý kiến cho rằng, từ lâu, áo dài đã trở thành biểu tượng của Việt Nam, đại diện cho các giá trị văn hóa Việt, vì thế nên chọn áo dài là "Quốc phục". Nhưng theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - đơn vị được giao thực hiện đề án "Quốc hoa", "Quốc phục" thì áo dài thôi thì chưa đủ. Bởi lâu nay, trong các chương trình ngoại giao, các nguyên thủ (hầu hết là nam) phải mặc quốc phục nên cần có một "chuẩn" chung cho cả nam và nữ. Nước ta có bề dày truyền thống văn hóa, hoàn toàn có thể lựa chọn được "Quốc phục" mang bản sắc văn hóa của nước mình.
Đồng ý rằng cần phải có quốc phục nhưng họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: Muốn nhanh chóng có Quốc phục Việt Nam, trước tiên đề án phải đưa ra được tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Đừng như trước đây, việc chọn khăn đóng, áo dài bàn đi bàn lại mà vẫn không thành công. Theo ông, không nên lấy những bộ khăn xếp, áo the, mà nên lấy âu phục làm "Quốc phục" nhưng phải chú ý đến vải, màu sắc, sự kết hợp với cà vạt... Còn nhà thiết kế Đức Hùng cho rằng: Một đất nước nên có Quốc phục, vì điều này có tác dụng quảng bá đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Với phụ nữ thì "Quốc phục" nên là áo dài truyền thống chứ không phải cách tân, còn với nam giới thì "Quốc phục" phải phù hợp với bất kỳ ai và với mọi hoàn cảnh…
Xem ra, ý kiến về "Quốc phục" có nhiều, nhưng chưa có gì cụ thể, có lẽ sự tranh luận sẽ còn kéo dài.
"Quốc tửu", nên không?
"Quốc tửu" là vấn đề gây bàn luận nhiều hơn cả. Theo ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, người phụ trách đề án "Quốc tửu" thì Việt Nam đang trên đà hội nhập, nên "Quốc tửu" cũng cần thiết phải có. "Quốc tửu" phải góp phần phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc.
Khẳng định là vậy, nhưng dư luận không khỏi băn khoăn với danh sách "ứng viên" do BTC đưa ra: Vodka 39,5o, Whisky Halico 39,5o, Vodka Blue Bird 39,5o, rượu mơ hồng, Làng Vân, Bó Nặm, Phú Lộc, Mao Lùng và Vodka@BKAV 29o. Thương hiệu rượu đại diện cho các vùng miền có rượu cần Tây Bắc, Tây Nguyên, rượu dừa miền Nam, rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Phú Lộc (Hải Dương), Bàu Đá (Bình Định), Hồng Đào (Quảng Nam), Phú Lễ (TP Hồ Chí Minh)...
Nhìn vào danh sách trên, câu hỏi đặt ra là lấy tiêu chí nào để lựa chọn "Quốc tửu" và việc giới thiệu rộng rãi những loại rượu nói trên làm cơ sở cho việc bình chọn liệu có "tréo ngoe" với các quy định về quảng cáo hiện hành không. Vì hiện nay, Bộ VH,TT&DL chỉ cho phép quảng cáo các loại rượu có nồng độ cồn dưới 15o và đăng quảng cáo hình ảnh sản phẩm rượu của các thương hiệu như: Vodka, Armaganac, Whisky... Còn các loại rượu từ 15o trở lên thì chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới doanh nghiệp sản xuất, bên trong các cửa hàng, đại lý tiêu thụ rượu. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ủng hộ. GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, việc chọn "Quốc tửu" không đáng bị phê phán bởi nhiều nước đã có "Quốc tửu" như: Trung Quốc có rượu Mao đài, Pháp có rượu vang, Nga có Vodka... Tuy nhiên, GS Thanh lưu ý rằng, sản phẩm được gọi là "Quốc tửu" thì phải được bạn bè quốc tế biết đến và chỉ cần nhắc đến nó là người ta sẽ nhớ ngay đến đất nước và con người Việt Nam.
Với những quan điểm trái ngược nhau như hiện tại, chuyện chọn "Quốc tửu" nên tiếp tục được bàn bạc nghiêm túc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.