Theo dõi Báo Hànộimới trên

'Chơi' i-dosing chưa 'phê' đã điếc

Tuyết Nga| 22/11/2010 15:09

Giới trẻ đang rỉ tai nhau nghe i-dosing, một dòng nhạc được quảng cáo tạo ra cảm giác kích thích và bồng bềnh như trên mây. Trong khi loại nhạc này có âm thanh rú rít như máy bay rơi, độ ồn thường vượt quá 80 dB (ngưỡng gây điếc) và có thể gây tác động xấu cho sức khỏe.


Trùm chăn, bịt mắt nghe nhạc


Bịt mắt đeo phone nghe nhạc i-dosing. Ảnh: Tuyết Nga


I-dosing chưa có nguồn gốc rõ ràng, thế nên trên các diễn đàn mạng vẫn có những ý kiến khác nhau về loại nhạc này. Tuy nhiên, theo nickname Danh Mai trên forum của phapsu.com đây là dạng âm nhạc Noise - Ambient xuất hiện vào cuối thế kỉ 20. Nó là một thể loại âm nhạc không có nguyên tắc, không có khuôn khổ và rất trừu tượng. Người làm nhạc từ nhiều nguồn như thu âm trực tiếp từ cuộc sống, điều chỉnh bằng máy tính hoặc tạo tiếng động từ vật dụng. Để cảm nhận được nhạc i-dosing người nghe phải đeo tai nghe, ngồi trong bóng tối; bịt kín mắt hoặc trùm chăn và chỉ nghe một mình. Chính vì sự rùm beng quảng cáo, cộng với tính “thần bí” mà không ít bạn trẻ đã thử tìm đến loại nhạc này.

Trà My (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng), cho biết ban đầu em thích cảm giác bay bổng nhưng phải tai nghe ở mức to nhất mới cảm thấy “phê”. Một nhóm HS THCS Nguyễn Công Trứ cho biết, trong nhóm Tùng là người đầu tiên nghe i-dosing và tối nào cũng nghe thành “nghiện”. Em Thanh Nga (Trường THCS Nguyễn Công Trứ) hào hứng kể, nghe nhạc có cảm giác như từ máy bay rơi xuống, vừa lâng lâng, vừa như hụt hẫng. Còn Xuân Phương (Trường THPT Việt Đức) chia sẻ, em vừa nghe vừa ngủ vậy mà trong tiềm thức cứ luẩn quẩn tiếng nhạc, cảm giác vừa ảo, vừa sợ.

Trong khi đó, theo nhiều bạn trẻ khác, loại nhạc này gây cảm giác đau đầu, buồn nôn. Thúy Hường (Trường THPT Trần Hưng Đạo), cho biết đã nghe thử một số bài nhưng nghe xong cảm thấy đau đầu, khó chịu. Còn Mai Huyền Trường (THPT Trung Văn) lại cảm nhận, nghe nhạc mà ong hết cả tai, chẳng có gì thích thú. “Em nghĩ một số bạn muốn tỏ ra sành điệu nên giả vờ phê, ảo. Đây chỉ là những âm thanh hỗn độn kéo tần số cao không khác gì nhìn lên trời rồi quay để tự làm mình chóng mặt, Tiến Anh trên forum nghich.org nói.

Gây hại cho sức khỏe

Không khó để tìm các bản nhạc của i-dosing trên các trang mạng xã hội của yume, youtube… cùng các tên gọi “hoành tráng” như Cửa địa ngục, Bàn tay của chúa… Người viết bài đã lên mạng tải bản Cửa địa ngục dài gần 9 phút nghe thử. Ngay ở giây đầu tiên đã cảm thấy như tiếng máy bay và sau đó là tiếng rít ghê rợn cứ lặp đi, lặp lại. Sau đó là cảm giác bồn chồn lo lắng, thi thoảng mạch máu 2 bên thái dương giật giật. Cả 9 phút của bản nhạc chỉ có những âm thanh gầm gào, hỗn loạn khi bỏ tai nghe đầu óc choáng váng, quay cuồng.

Theo bác sĩ Lê Thị Lan, Trưởng khoa Thính học và thăm dò chức năng (Bệnh viện Tai mũi họng TƯ), âm nền ở môi trường bình thường từ 55-60 decibel (dB) A. Nếu âm thanh hơn 80 dB và thời gian tiếp xúc âm thanh lớn thường xuyên từ 3 tháng trở lên sẽ có nguy cơ gây điếc, chóng mặt, tổn thương tiền đình. Trong khi đó, dùng máy đo thử một số bài nhạc i-dosing thì độ ồn thường luôn vượt trên 80 dB.

Hiện, ở Việt Nam chưa có khuyến cáo về tác hại của i-dosing. Trong khi đó, Ủy ban Các loại thuốc nguy hiểm và các chất kích thích Oklahoma (Mỹ) đã phát đi cảnh báo về i-dosing trên toàn quốc. Các trường trung học ở Mustang (Mỹ) cũng gửi thư cảnh báo các bậc phụ huynh sau khi ghi nhận được một số trường hợp HS tìm cảm giác mạnh bằng cách nghe các bản nhạc i-dosing. Đồng thời, ban giám hiệu còn ra lệnh cấm học sinh sử dụng máy nghe nhạc ipods trong trường.


Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu - lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ, âm nhạc mang chức năng giúp con người giải tỏa tâm tư, tình cảm. Âm nhạc phải giúp người nghe trở nên đẹp hơn về tâm hồn, có niềm tin vào cuộc sống. Nhưng nếu nghe nhạc mà tạo cho người nghe cảm giác sợ hãi, mệt mỏi thì rõ ràng là dòng nhạc nguy hiểm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
'Chơi' i-dosing chưa 'phê' đã điếc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.