Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho vơi dần nỗi đau da cam

Minh Ngọc| 19/12/2018 07:15

(HNM) - Phải hứng chịu khoảng 80 triệu lít thuốc diệt cỏ chứa chất da cam/dioxin trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đến nay nhiều vùng đất và khoảng hơn 4 triệu người Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thứ chất độc hủy diệt này. Để nỗi đau mang tên da cam vơi dần theo năm tháng, các tổ chức trong nước, quốc tế cùng các nhà hảo tâm, nạn nhân và gia đình họ luôn nỗ lực khắc phục hậu quả bằng những giải pháp thiết thực.

Hướng dẫn học nghề ở Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội.


Sức mạnh của lòng quyết tâm


Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang tại thôn Cự An, xã Tam Đồng (huyện Mê Linh), ông Bùi Văn Phát kể rằng, thời đó ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và Campuchia. Trở về quê hương, ông xây dựng gia đình, sinh con và luôn mơ ước về một cuộc sống yên bình, khỏe mạnh, hạnh phúc. Tiếc thay, ước mơ giản dị của ông Phát chẳng thể vẹn tròn bởi bản thân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sinh ra những người con không khỏe mạnh, trong đó có một người đã chết. “Gia đình tôi sống trong cảnh khó khăn, vất vả nhiều năm. Cho đến một ngày, thấy những người xung quanh có cuộc sống khấm khá, tôi nhận ra bản thân phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì mới có tương lai”, ông Phát nhớ lại.

Với quyết tâm thay đổi hoàn cảnh, ông Phát làm mọi công việc có thể làm, gom vốn, mạnh dạn đấu thầu đất làm kinh tế trang trại vào năm 1993. Sau hơn 20 năm đổ mồ hôi trên đồng đất trũng, hôm nay, đất đã “nở hoa”, cây trái xanh tốt bốn mùa, vịt, gà sinh sôi, mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm.

Ngoài trường hợp nêu trên, TP Hà Nội có rất nhiều cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin nhưng vẫn lạc quan vượt lên hoàn cảnh. Có thể kể đến ông Trần Ngọc Khánh, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) với mô hình buôn bán thức ăn chăn nuôi, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô lớn; ông Nguyễn Đình Cảnh với mô hình phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức)…

Bản lĩnh, ý chí và nghị lực vươn lên của những người từng vào sinh ra tử trên các chiến trường đã truyền sang thế hệ kế tiếp. Chuyện về thầy giáo Chu Quang Đức (sinh năm 1984) ngày ngày truyền thụ kiến thức, niềm đam mê tin học cho học sinh Trường THPT Mê Linh (huyện Mê Linh) là ví dụ điển hình. Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin từ bố, đến tuổi trưởng thành anh Đức chỉ cao 1,1m, nặng 27kg nhưng vẫn luôn nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy giáo. “Thay vì chán nản, oán trách số phận, tôi cố gắng học tập để làm chủ cuộc sống. Dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, chỉ cần có đủ quyết tâm vượt lên thì mỗi chúng ta đều có thể trở thành người có ích cho xã hội”, anh Chu Quang Đức nói.

Sự quyết tâm tạo động lực giúp anh Nguyễn Chiến Thắng (sinh năm 1979), hiện đang sống tại căn nhà nhỏ trên đường Lê Trọng Tấn thuộc quận Thanh Xuân, dù bị đa khuyết tật do phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng vẫn đạt được thành tích đáng nể. Là người Việt Nam đầu tiên có bằng Microsoft do Bill Gates ký và nhiều giải thưởng danh giá khác, Nguyễn Chiến Thắng được Tập đoàn FPT mời về làm việc. Hiện nay, anh là một trong những nhân viên xuất sắc của Phòng Nghiên cứu ứng dụng thuộc Tập đoàn FPT.

Trên thực tế còn rất nhiều nạn nhân da cam/dioxin của TP Hà Nội và cả nước vượt lên hoàn cảnh khó khăn để làm chủ cuộc sống.

Chung tay khắc phục hậu quả

Cùng với nỗ lực của bản thân, trong những năm qua, các nạn nhân da cam/dioxin trên khắp mọi miền đất nước luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của người thân và toàn xã hội. Ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho biết, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do các cấp Hội Chữ thập đỏ phát động thu hút hàng nghìn tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền mặt, hàng hóa. Nhờ đó, 100% nạn nhân da cam và gia đình họ nhận được những suất quà, sự động viên kịp thời vào dịp lễ, Tết.

Niềm vui của gia đình ông Lưu Tiến Toan, xóm Vực, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) khi sống trong ngôi nhà mới. Ảnh: Hà Hiền


Ý nghĩa hơn là những ngôi nhà tình nghĩa đến với nạn nhân da cam/dioxin, giúp họ hoàn thành tâm nguyện lớn của đời người. Với hàng trăm hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà trong những năm gần đây, TP Hà Nội cơ bản không còn gia đình nạn nhân da cam phải ở trong những ngôi nhà xuống cấp. Hôm đón chúng tôi tới tham quan ngôi nhà hai tầng khang trang, rộng rãi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lưu Tiến Toan, xóm Vực, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) cho biết, căn nhà được xây dựng vào năm 2017, do Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và bà con lối xóm hỗ trợ kinh phí, ngày công. Có nhà mới, các thành viên trong gia đình ông yên tâm xây dựng cuộc sống, chăm sóc sức khỏe.

Tương tự TP Hà Nội, nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên cả nước nhận được sự quan tâm ngày càng đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội đã vận động xã hội hóa và chi gần 1.147 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin về nhà ở, phục hồi chức năng, mua bảo hiểm, khám chữa bệnh, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế… Cả nước đã xây dựng 26 trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân da cam, đưa hàng trăm nạn nhân vào chăm sóc. Ngoài ra, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế tiếp tục các hoạt động đấu tranh đòi công lý cho những người bị ảnh hưởng.

Không chỉ đồng hành với nạn nhân, các cơ quan chức năng đang tập trung xử lý môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước tại những khu vực trực tiếp hứng chịu chất độc hóa học. Đó là giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần làm vơi dần nỗi đau mang tên da cam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cho vơi dần nỗi đau da cam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.