(HNM) - Từ nơi chỉ dành cho những người bán một số hàng cũ, lặt vặt nhỏ lẻ bên con đường làng Thịnh Yên, ngay đầu ô Cầu Dền, hình thành vào năm 1954; chợ Trời nay đã trở thành một trung tâm thương mại rộng lớn...
Những gì có ở trên đời…
Từ lâu những người hay đi chơi chợ Trời đều thuộc câu vè truyền miệng rằng: “Hàng gì có ở trên đời. Cứ đến chợ Trời là sẽ có ngay”. Hầu như, mọi người dân Hà Nội đều đã đến chợ Trời, dù có mua hàng hay không. Nhưng phải nói sự phong phú và chồng chất hàng có sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Đáng chú ý, chợ tự phân thành khu riêng cho từng loại hàng giao dịch. Đầu tiên là chợ bán hàng xe đạp cũ, phổ biến là xe đạp Thống Nhất được bày thành hàng trên vỉa hè cho khách mua chọn. Giờ thì lại vô vàn xe bãi được gom cả container từ Nhật Bản về. Sau đó là những gian hàng bán đồ điện tử và hàng cơ khí. Nhưng có lẽ giờ lớn nhất là phố hàng bán phụ tùng ô tô. Các phố hàng tiếp nối và giao cắt với phố Thịnh Yên là phố Chùa Vua, hay phố Yên Bái, hoặc Trần Cao Vân chen chúc những quầy hàng điện máy và kim khí. Chưa hết, chợ Trời có sức vươn ghê gớm theo cơn sóng thị trường. Nay các phố lớn như Nguyễn Công Trứ, phố Huế, cùng các phố nhỏ khác như Đỗ Ngọc Du, Lê Gia Định, Đồng Nhân đều mọc ra hàng trăm cửa hàng cơ khí điện máy. Ấy là chưa nói đến các mặt đường dọc các lô nhà của khu tập thể Nguyễn Công Trứ cũng tạo nên sự sầm uất mang màu sắc tự do của chợ Trời biến dạng. Tới nay, số hộ đăng ký kinh doanh đã đạt con số cỡ 1.000.
Một góc chợ Trời. |
Tất nhiên, dù lớn đến đâu thì chợ Trời vẫn đậm dấu ấn thương trường tự do, nên rất dễ bị suy thoái về đạo đức kinh doanh, khi lấy lợi nhuận làm mục đích tối thượng. Mấy chục năm trước gọi là chợ hàng cũ, chợ Trời ẩn chứa vô vàn rủi ro cho người mua lẫn người bán. Mua rẻ bán đắt, đó là chuyện thường tình nhưng đến khi tồn tại hiện tượng “Mua hàng thật trao tiền rởm - Bán hàng rởm lấy tiền thật”, chợ Trời có phần đã nhuốm mầu sắc của sự lừa đảo. Không ít người mua phải hàng nhái nhưng phải trả tiền cắt cổ của giá hàng thật. Không ít người đã mừng rú lên khi mua được những đồ của chính mình mới mất. Họ nhìn đồ của mình ngỡ như trong mơ, bởi vì mới mất tối hôm qua mà sáng nay đến chợ Trời hỏi là nó lại về với chủ nhân. Màu sắc của chợ Trời là vậy. Tự do mà. Vì vậy đôi khi và có thời người ta nghi ngại và cho chợ Trời là nơi chỉ bán đồ ăn trộm. Hình ảnh trà trộn giữa hàng thật lẫn hàng giả, hàng nhái, hàng gia công, nhiều cửa hàng đã đánh lừa thị giác của người tiêu dùng gây nên sự khủng hoảng niềm tin. Khi đó chợ Trời đã biến chất không còn là chợ bán hàng đồ cũ giá rẻ nữa.
Tuy nhiên, đó là một khoảng tối cần có sự kiểm soát thường xuyên và bằng những quy định sát sao của các nhà quản lý khu chợ. Đặc biệt, hiện nay xen kẽ sự chuyên môn hóa của các cửa hàng trong giao dịch kinh doanh là sự ra đời của những công ty thương mại, tạo nên diện mạo mới cho khu chợ Trời. Một tư duy chuyên nghiệp, uy tín bắt đầu hình thành và thoát khỏi sự rủi ro, chụp giật vốn có của thị trường tự do. Tất nhiên khi đó người mua không phải áy náy, mình đã mua về hàng thứ thiệt hay đã “tút tát” lại; hoặc khó chịu và hoang mang khi bị quát giá. Thậm chí, người mua không còn bị người bán hàng chửi vỗ mặt, khi trả giá chưa tới đã bỏ đi. Dù sau này theo quyết định của thành phố, chợ Trời có dọn đến đâu thì ắt sẽ mở ra một phong cách văn hóa kinh doanh, vì mục tiêu lấy quyền lợi người tiêu dùng làm mục đích.
Những ván cờ xuân trong lòng chợ Trời
Ấy là câu chuyện mỗi khi xuân về, làng cờ trong cả nước lại đổ về chợ Trời để thi đấu tranh tài. Nhiều người hẳn biết từ xa xưa làng Thịnh Yên được coi là làng cờ nổi tiếng. Con đường làng Thịnh Yên nay đã trở thành phố chính, cửa ngõ của chợ Trời nhưng đồng thời cũng là nơi có chùa Vua, thờ Thánh cờ Đế Thích. Sự hình thành chợ Trời cũng bắt đầu quanh chùa Vua này. Người bán hàng ở chợ đã thách đố khách hàng giải ván cờ thế. Khi đó không còn chuyện bán mua nữa, mà là sự bay bổng của những nước cờ và sự tính toán từng nước đi. Khi giải được hay không giải được bàn cờ thế cả khách lẫn chủ cùng cười ròn tan với những câu chuyện về “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đã ra đời từ đây. Và khi trời đã tối, chủ hàng lại cuộn tấm ni lông ôm những bàn là, máy sấy, hay ổ cắm điện về nhà. Hôm ấy coi như ế hàng vì mải chơi cờ.
Điều lạ nhất ở chợ Trời là thế. Nghĩa là chưa vào ngày hội đầu năm, không ít chủ hàng đã dẹp quán, cất hàng để tìm người đánh cờ. Họ coi như luyện lại những nước cờ sắc sảo và độc đáo của mình để chuẩn bị tỉ thí với các bậc cao thủ khắp nơi sẽ về giành giải nhất. Thực ra trước đây chùa cổ của làng là chùa Hưng Khánh thờ Phật. Hằng năm, từ đời Lý, sau này là triều Lê, vua và các đại thần thường đến chùa Hưng Khánh để cầu quốc thái dân an, nên dân quen gọi là chùa Vua. Người dân làng Thịnh Yên tự hào về ngôi chùa này. Lịch sử đã lưu dấu, hội cờ làng thu hút được nhiều danh cờ về tranh tài, trong đó có một ông Hoàng vào thời Lê (1428-1527), rất cao tay cờ đã vận động nhân dân đóng góp xây một quán để thờ vua cờ Đế Thích ngay bên cạnh chùa Hưng Khánh. Từ đó trong dân gian đã truyền tụng câu “Muốn sống lâu cầu Đế Thích”, vì Đế Thích trường lão bất tử và là Tiên cờ mà dân làng tôn thờ.
Lễ hội cờ hằng năm được tổ chức vào ba ngày, từ mùng 6 đến 9 tháng Giêng. Cùng với lịch sử lâu đời của chùa Vua còn gắn kết với những con người gắn với công trạng chiến đấu bảo vệ đất nước. Đầu tiên phải kể đến sư tổ Thích Thanh Điều, đã từng là võ tướng của Đề Thám. Sau khi khởi nghĩa Yên Thế năm 1915 thất bại, giặc Pháp lùng sục bắt bớ, cụ đã phải lánh vào chùa Vua là lấy đây là cơ sở hoạt động cách mạng. Còn có lần nhà cách mạng kiệt xuất Nguyễn Phong Sắc, xứ ủy Bắc Kỳ đã từng cất giấu tài liệu của Đảng dưới bệ tượng Đế Thích. Rồi đến ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), chùa Vua cũng là nơi chứa vũ khí và lương thực của quân đội ta để vận chuyển ra an toàn khu. Hiện chùa Vua còn giữ được 14 pho tượng đẹp bằng gỗ hoàng đàn, trong đó nổi bật nhất là pho tượng Đế Thích cao 1,6m.
Có một hình ảnh thú vị, mỗi khi vào lễ hội cờ, thì chẳng những trong chùa các cao thủ say mê tỉ thí, mà ở chung quanh chùa bên chợ Trời ngoài phố Thịnh Yên cũng có tới hàng chục bàn cờ của các tay cờ nghiệp dư ra sức tranh tài. Khu vực chợ Trời ở gần đó trở thành chợ Cờ mà họ giành giải thưởng bằng những điếu thuốc ngày xuân. Mặc cho mưa phùn gió bấc hoặc nắng ấm hừng lên, nhìn những người chăm chú vào những nước cờ quyết định chiếu tướng bắt chết vua; mới hay chợ Trời vào xuân thật xôn xao đầy ắp những niềm vui, và quên đi những tất bật mưu sinh trên đường phố quanh năm. Khi ấy chợ Trời trở nên nhộn nhịp bởi những tia nắng tươi sắc, thanh tao không tính toán không vụ lợi mà chỉ có nụ cười rộn ràng vào ngày hội.
Có nên di dời?
Nhiều hội thảo đã bàn về chuyện xóa sổ chợ Trời, hay di dời nó sang nơi khác để tránh những sự phức tạp của thị trường và trật tự trị an, mà nó đã tồn tại hàng chục năm qua. Tâm tư người dân lại có những điều khó nói và lưu luyến một mô hình chợ đầy biến động và tiêu biểu cho một thị trường tự do mang đậm chất tiểu thương xưa cũ. Hiện nay chợ đã hình thành gần với hình thái của chợ đầu mối về điện máy, kèm theo những dịch vụ nhỏ lẻ theo mẫu chợ Đồng Xuân. Bán buôn và bán lẻ có bảo đảm chất lượng với những cửa hàng lớn và những công ty thương mại uy tín đã hình thành mươi năm nay.
Còn việc di dời chợ Trời? Trong lòng người còn có nét xao xuyến một thời đã gắn bó. Biết bao chợ truyền thống trăm năm, quanh Hà Nội đã bị xóa sổ bởi các trung tâm thương mại mọc ra, nhưng hiệu quả chẳng được là mấy. Còn chợ Trời, với số lượng chủ kinh doanh lớn, không dễ dịch chuyển. Sắc thái bình dân và linh hoạt trong việc mua bán của chợ Trời đã tạo nên một nếp văn hóa thương mại thị dân độc đáo trong đời sống Thủ đô. Đây đó dọc con phố Thịnh Yên người người đi dạo đều dừng chân tại chùa Vua và hình ảnh các kỳ thủ vẫn lung linh với những vần thơ: “Xe pháo qua hà giữa tiết xuân. Cần chi phong tướng mới cầm quân. Thoắt mang ngựa đến tán thành cổ. Bỗng vẫy voi ra giấu mẹo thần…”. Lúc ấy chợ Trời lại rạo rực sắc xuân nơi đầu ô, nhộn nhịp xe qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.