(HNM) - Nhiều doanh nghiệp (DN) chần chừ niêm yết trên sàn chứng khoán sau khi cổ phần hóa (CPH); số vốn đầu tư ngoài ngành sau khi thoái vốn để thu hồi vào ngân sách lại thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu… là những tồn tại sau khi thực hiện CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2010-2015.
Trong quá trình tái cơ cấu, một số doanh nghiệp Ngành Dầu khí đã bộc lộ không ít bất cập. |
Doanh nghiệp chần chừ, chưa niêm yết
Báo cáo mới nhất của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho thấy, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 591 DNNN, trong đó CPH được 499 đơn vị, đạt 96% kế hoạch số lượng. Đến nay, tổng cộng đã có 5.950 DN được sắp xếp lại, trong đó 4.460 DN CPH. Tính riêng từ đầu năm đến tháng 11-2016, đã có 56 DN được phê duyệt phương án CPH, trong đó có 6 tổng công ty nhà nước. Tổng giá trị thực tế của 56 DN là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại DN là hơn 24.000 tỷ đồng. Theo phương án CPH, trong 24.379 tỷ đồng vốn điều lệ, Nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.670 tỷ đồng, bán cho người lao động 388 tỷ đồng, bán đấu giá công khai cổ phần là 4.374 tỷ đồng...
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, việc sắp xếp, CPH DNNN là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình đổi mới DNNN. Trong đó, gắn CPH với phát triển thị trường chứng khoán là một trong những cơ chế, chính sách quan trọng. Chính sách này cũng đồng thời gắn với nhiệm vụ, quyền lợi của DN, nhà đầu tư, đòi hỏi DN phải thay đổi cách quản trị và tăng cường sự minh bạch trong kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn gần 400 DNNN đã CPH chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch tập trung theo quy định, dẫn đến việc giao dịch của nhà đầu tư gặp khó khăn. Việc đấu giá cổ phần DNNN trở nên kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, việc thoái vốn nhà nước đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm như: Bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư đã không thu hồi đủ số vốn ban đầu. Trong số 11.036 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, chỉ thu về được 10.742 tỷ đồng. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), giá trị thu về thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu là do một số khoản đầu tư của các DNNN lỗ nặng. Đơn cử, Tổng công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại dự án Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ chỉ thu về 18,3 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam... cũng đã xảy ra thất thoát vốn nhà nước, mà người đứng đầu đơn vị đã bị xử lý.
Hạn chế thất thoát vốn nhà nước
Đó là mục tiêu mà Chính phủ đặt ra khi thực hiện CPH, thoái vốn DNNN trong năm 2017 và giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, đối tượng CPH sẽ tiếp tục được mở rộng. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện định giá DN sát với giá thị trường, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, gắn quá trình CPH với thị trường chứng khoán nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia. Qua đó, sẽ góp phần đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN sau CPH, hạn chế thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, thời gian tới hành lang pháp lý để thực hiện CPH các DNNN sẽ được hoàn thiện. Cụ thể, sẽ trình Thủ tướng ban hành tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, sẽ hoàn thiện cơ chế về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và hoàn thiện cơ chế về hoạt động của DNNN. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng một lượng lớn vốn nhà nước tại 5 lĩnh vực nhạy cảm và các tổng công ty sẽ phải thực hiện rà soát lại. Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ, với những DN có quỹ trích lập dự phòng bù đắp được thất thoát thì cho phép sử dụng số vốn này, còn đơn vị nào không có khả năng bù đắp thì sẽ phải xử lý trách nhiệm.
Liên quan đến việc một số DN chần chừ không chịu niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Tiến khẳng định, Chính phủ đã đặt ra các chế tài xử phạt. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, mục tiêu CPH DNNN giai đoạn tới là thực hiện sắp xếp lại theo cơ cấu hợp lý, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội. DNNN sẽ chỉ đầu tư vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, hoạt động trong lĩnh vực có tính dẫn dắt, có hàm lượng công nghệ cao. Các DN phải nghiêm túc thực hiện cơ chế và quy định của pháp luật trong CPH, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản. Đồng thời, sẽ thực hiện niêm yết các tập đoàn, tổng công ty, DNNN đã CPH trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước. Riêng đối với những DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, sẽ dứt điểm xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, xem xét cho phá sản theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.