Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỗ dựa tin cậy của người khiếm thị

Hiền Chi| 15/02/2014 07:08

(HNM) - Hơn 10 năm làm công tác hội, bà Nguyễn Thị Kim Khanh, Chủ tịch Hội Người mù quận Ba Đình luôn trăn trở, tâm huyết chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người khiếm thị. Không may bị kém thị lực bẩm sinh nhưng bà Khanh vẫn cố gắng học xong đại học.


Đến khi lấy chồng, sinh con thì bà không còn nhìn thấy gì nữa. Song không vì thế mà nản lòng, bà tiếp tục vượt qua những khó khăn của bản thân để chăm sóc chồng, con chu đáo. Năm 2003, bà tham gia vào Hội Người mù quận Ba Đình.



Hội có hơn 200 hội viên, trong đó có tới 70% hội viên cao tuổi nên việc tìm nghề để các hội viên phát triển kinh tế rất khó. Trước thực tế đó, bà Khanh vận động hội viên làm tăm tre, chổi tại cơ sở Nhân Đạo của quận. Đồng thời, bà cùng các đồng chí lãnh đạo hội kết nối với các đơn vị để tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm, giúp nhiều hội viên có đủ việc làm thường xuyên với mức lương bình quân là 950.000 đồng/tháng. Trong năm qua, mặc dù giá cả thị trường cùng giá nguyên vật liệu có nhiều biến động lớn nhưng hoạt động của cơ sở Nhân Đạo quận vẫn được duy trì và phát triển. Cơ sở đã sản xuất được hàng nghìn gói tăm tre, trên 1.000 chiếc chổi đót, doanh thu tăng 6% so với năm 2012. Đặc biệt, hơn 10 năm qua, bà Khanh đã tạo mọi điều kiện để các cháu khiếm thị tham gia hành nghề bấm huyệt tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của người khiếm thị quận. Từ lúc ban đầu có 3 cháu, đến nay cơ sở này đã duy trì việc làm cho 6 cháu có tay nghề cao với thu nhập 2,4 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với chăm lo đời sống cho các hội viên, bà Khanh học chương trình sử dụng máy tính dành cho người khiếm thị. Hiện tại, bà sử dụng thành thạo vi tính văn phòng, tự mình viết được báo cáo, soạn công văn. Bà thường xuyên nghe đài và tìm hiểu thông tin trên mạng internet để nâng cao trình độ chuyên môn. Trong năm 2013, bà đã dạy 2 hội viên biết đọc, viết chữ Brai và 1 hội viên sử dụng được máy vi tính.

Bà Khanh chia sẻ: "Suy từ bản thân, tôi thấy những người khiếm thị rất thiệt thòi nên luôn mong muốn làm được điều gì đó mang niềm vui cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần và giúp họ thêm tự tin, hòa nhập hơn với cộng đồng". Bà sẽ dành trọn cuộc đời để làm chỗ dựa, mang lại "ánh sáng" cho người khiếm thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỗ dựa tin cậy của người khiếm thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.