Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỗ dựa của nạn nhân chiến tranh

Quỳnh Anh| 14/09/2010 07:22

(HNM) - Nhiễm chất độc da cam từ bố, hai chân bị khoèo, sức khỏe yếu nên chị Vũ Thị Hoàn không làm được việc nặng. Đã vậy, chị lại phải một mình nuôi đứa con nhỏ ốm yếu, chi phí thuốc thang hết sức tốn kém khiến cuộc sống càng lâm vào cảnh khó khăn, bế tắc.

Đào tạo nghề cho các học viên tại Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chiến tranh tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Giữa lúc chán nản, bi quan nhất và muốn phó mặc tất cả cho số phận thì chị Hoàn được Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chiến tranh đón về cưu mang. Ở đây chị được học nghề may mặc, được tạo việc làm với mức thu nhập ổn định. Tuy cuộc sống chưa hết khó khăn nhưng chị Hoàn đã có thêm niềm tin vào cuộc sống. Chị đang cố gắng và phấn đấu làm việc hết mình để nuôi con ăn học thành người.

Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chiến tranh, ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội được thành lập từ tháng 6-2009 với mục đích thực hiện chương trình xã hội hóa nhân đạo của Nhà nước, cưu mang, chăm sóc, giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sống ở trung tâm, các nạn nhân không chỉ được phục hồi chức năng, chữa trị bệnh do hậu quả chiến tranh để lại mà còn được học nghề, học văn hóa và được tạo công ăn việc làm phù hợp. Sau hơn 1 năm hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, trung tâm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trung tâm đã mở được 6 lớp dạy nghề làm tóc giả và may màn xuất khẩu miễn phí cho 280 học viên; đỡ đầu hằng tháng cho 67 nạn nhân chiến tranh với mức 300.000 đồng/tháng. "Hiện trung tâm đang cưu mang, tổ chức sản xuất tại chỗ cho 80 nạn nhân chiến tranh với hai nghề: làm tóc giả và may màn xuất khẩu với mức thu nhập bình quân từ 700.000 đồng/người/tháng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng" - ông Kiều Hải Thoại, Giám đốc Trung tâm cho biết.

Hầu hết những nạn nhân được trung tâm cưu mang đều có hoàn cảnh hết sức éo le, cuộc sống đang trong cảnh bế tắc đến cùng cực. Trước khi vào trung tâm họ rất bi quan, chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng rồi dưới sự chăm sóc, chuyện trò, chỉ bảo tận tình của các cán bộ, công nhân viên của trung tâm, họ đã dần dần lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Nhiều người đã thay đổi hẳn nếp nghĩ, cách nhìn nhận tiêu cực về cuộc sống. Từ tự ti, sống khép kín, họ đã tự tin hơn, sống chan hòa, cởi mở, thân thiện với mọi người xung quanh. Em Chu Quang Đức, sống ở trung tâm chia sẻ: "Học xong Đại học Sư phạm, em đã cố gắng đi xin việc làm, nhưng để kiếm được việc làm phù hợp với người không lành lặn như em quả là khó. Sau quá nhiều lần thất bại trong tìm kiếm việc làm, em rất chán nản và bi quan. Giữa lúc đó em được bác Thoại đưa về dạy văn hóa, dạy tin học cho những người cùng cảnh... Trung tâm đã cho em một môi trường phù hợp để em cống hiến sức lực và trí tuệ của mình. Em thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hẳn lên, không còn cảm giác là người thừa nữa". Đôi chân và đôi tay của Đức co quắp, thân thể em nhỏ nhắn chỉ như một học sinh cấp I. Để có thể theo học được với bạn bè, Đức đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều.

Công việc của Trung tâm vẫn còn ngổn ngang và gặp phải nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hoạt động quá hạn hẹp, chỉ trông chờ vào sự tài trợ của các tập thể, cá nhân. Vì thế, Trung tâm luôn mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, các cá nhân có tấm lòng từ thiện để trung tâm có thêm điều kiện phục vụ các nạn nhân chiến tranh tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỗ dựa của nạn nhân chiến tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.