(HNM) - Kinh nghiệm làm du lịch của nhiều nước đã xây dựng thành công ngành “công nghiệp không khói” cho thấy, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, luôn có sức hút đặc biệt...
Đấy cũng là điều không phải bàn cãi mà hiệu quả, hiệu ứng - dù mới ở những bước đầu tiên - đã rất rõ, qua những gì ngành Du lịch Việt Nam nói chung, Du lịch Hà Nội nói riêng đã và đang làm được. Sở hữu nhiều di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo, giàu bản sắc, ở nhiều loại hình, cùng đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ giàu tài năng, tâm huyết và hệ thống thiết chế văn hóa tương đối đồng bộ, Hà Nội có thêm điều kiện để níu chân du khách. Những Nhà hát Múa rối Thăng Long - đơn vị nhiều năm liên tiếp được Tổ chức Kỷ lục thế giới trao danh hiệu “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm”; Nhà hát Chèo Hà Nội; Rạp Chuông Vàng... thường xuyên “sáng đèn” mà đông đảo khán giả là du khách trong và ngoài nước... là động viên không nhỏ trước hết với các đơn vị nghệ thuật, sau đó là với người làm du lịch. Và ở khía cạnh khác, đó là sự động viên không nhỏ với người Hà Nội, người dân cả nước. Bởi lẽ, mỗi một loại hình nghệ thuật như múa rối, chèo, cải lương... đều là một phần độc đáo đại diện cho tinh hoa, cho bản sắc văn hóa dân tộc.
Du lịch, xét cho cùng, là hành trình khám phá, trải nghiệm, thụ hưởng (cái mới, cái hấp dẫn, cái ưa thích...). Trong hành trình đó, các di sản nghệ thuật có tính riêng, tính độc đáo như múa rối, chèo, cải lương... luôn là sản phẩm du lịch giàu sức hút. Dù vậy, từ hiệu quả hiện tại của ngành Du lịch Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, cũng như kinh nghiệm của các nền “công nghiệp không khói” trong phát triển sản phẩm du lịch loại này, có thể thấy “dư địa” để những sản phẩm trên khiến du khách thêm quyến luyến còn nhiều.
Trước hết, đó vẫn là câu chuyện của tự thân mỗi nhà hát hay đơn vị nghệ thuật. Mang lại những tác phẩm, tiết mục đặc sắc làm hài lòng du khách luôn gắn liền với “cơm áo gạo tiền”, tức là thu nhập, chất lượng đời sống đội ngũ nghệ sĩ, nhân viên. Nhưng giá trị vô hình, lớn hơn thế rất nhiều, là tinh hoa văn hóa, hình ảnh du lịch Thủ đô và đất nước được quảng bá rộng rãi thêm. Chính vì vậy, không chỉ duy trì chất lượng mỗi vở diễn, tiết mục, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật còn phải thường xuyên tự làm mới mình qua việc làm phong phú thêm chương trình.
Có “sản phẩm” là một chuyện, chất lượng phục vụ cũng là vấn đề đáng bàn, từ việc đón tiếp, bán vé, sắp xếp, hướng dẫn cho du khách trải nghiệm. Rồi cơ sở vật chất nơi biểu diễn không chỉ phù hợp với loại hình nghệ thuật mà còn phải đồng bộ theo hướng tiện ích, văn minh.
Thứ đến là câu chuyện quảng bá. Tự mỗi du khách, qua trải nghiệm và sự hài lòng của mình sẽ là từng đại sứ thiện chí cho “sản phẩm” họ đã thưởng thức cũng như cho ngành Du lịch nhưng truyền thông, dưới bất cứ hình thức nào, luôn có ý nghĩa. Rồi giữa các đơn vị lữ hành với các đơn vị nghệ thuật dường như vẫn cần thêm nhiều cái “bắt tay”, chương trình phối hợp chặt chẽ hơn.
Hiệu ứng, hiệu quả từ cách phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn làm sản phẩm du lịch của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật hiện nay cũng là gợi mở giàu cảm hứng cho các cộng đồng, nơi “phát tích” hoặc vẫn đang tổ chức thường xuyên các bộ môn. Bởi lẽ, ngoài các đơn vị “kinh viện, chính quy”, Hà Nội còn rất nhiều làng xã, phường... luôn rộn nhịp đập của những rối nước, chèo... Đó cũng chắc chắn là những không gian để du khách vẫn muốn quay trở lại để thưởng thức và khám phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.