(HNM) - Trong tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 tại Hà Nội, nhiều bất cập trong tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền ở địa phương đã được chỉ ra rất rõ ràng.
Nếu tất cả những vấn đề này được tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu và tìm giải pháp khắc phục, chất lượng hoạt động của chính quyền sẽ được cải thiện đáng kể, nếu không muốn nói là sẽ có những đổi mới mang tính "đột phá". Điều này đem đến cho chúng ta niềm hy vọng rất lớn đối với việc sửa đổi Hiến pháp 1992.
Lãng phí sức mạnh
Có một điều rất rõ ràng là các cơ quan chính quyền ở địa phương như HĐND, UBND các cấp đang lãng phí sức mạnh vì cơ cấu tổ chức và vận hành bộ máy đôi khi không "ăn nhập" với thực tiễn cuộc sống.
HĐND các cấp được trao nhiều thẩm quyền quan trọng, nhưng trên thực tế, quyền hạn lại rất hạn chế hoặc không sử dụng hết quyền năng. Khoản 5 Điều 58 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định trong các hoạt động giám sát của HĐND là "Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu". Tuy nhiên, việc bỏ phiếu tín nhiệm này chưa được quy định bắt buộc theo định kỳ, mà là hoạt động chủ yếu mang tính chất xử lý khi có "sự cố" phát sinh. Mặt khác, Hiến pháp và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 cũng chưa có quy định về cơ chế xử lý khi các cơ quan, tổ chức không thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND.
Cải cách hành chính là một giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Ảnh: Phương An |
Dư luận thường phàn nàn về hiệu lực, hiệu quả của HĐND cấp quận, huyện. Nhưng hãy xem cách tổ chức HĐND quận, huyện hiện nay: thông thường là chủ tịch kiêm nhiệm, chỉ có một phó chủ tịch và một ủy viên thường trực chuyên trách, bộ phận giúp việc cũng thường chỉ có một phó chánh văn phòng và một chuyên viên thuộc văn phòng UBND cùng cấp đảm nhiệm. Một chuyên viên HĐND cấp huyện từng phàn nàn rằng: "Mỗi khi cần tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, không chỉ cần UBND giúp về kinh phí mà ngay cả người phục vụ cũng phải mượn của UBND thì làm sao HĐND có địa vị độc lập để mà giám sát hay làm chức năng phản biện".
Đó là chưa kể, HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương lẽ ra UBND cùng cấp phải thực hiện mọi quyết định của HĐND, nhưng thực tế không như vậy. Việc tổ chức HĐND và UBND các cấp có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau, nên cùng một việc có khi cả ba cấp cùng mất thời gian bàn bạc quyết định. Bên cạnh đó, trong hoạt động của UBND các cấp hiện nay, thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân và tập thể vẫn chưa được phân định rạch ròi. Điều này khiến trách nhiệm cá nhân không cao, còn sức mạnh tập thể bị hạn chế.
Cách thức tổ chức bộ máy chính quyền hiện nay cũng còn nặng tính máy móc, thiếu linh hoạt, không thích ứng với thực tiễn cuộc sống. Có hai khía cạnh: Thứ nhất là tổ chức bộ máy ở địa phương theo kiểu "cào bằng" không căn cứ vào quy mô (diện tích, số dân) để có sự "xê dịch" số lượng cán bộ, tổ chức phòng, ban cho phù hợp. Phường 3 vạn dân và phường 8.000 dân cùng bộ máy quản lý như nhau, số lượng người nếu có hơn cũng rất ít khiến nhiều chính quyền cơ sở phải căng mình ra để làm nhiệm vụ. Các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Hoàn Kiếm… thuộc Hà Nội có nhiều phường ở vào hoàn cảnh như vậy. Nhiều địa phương kêu quá tải, nhưng cũng không có cách gì để giải quyết, vì biên chế chỉ có vậy, luật không cho phép tăng thêm. Thứ hai là chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn chưa được phân định. Hai thực thể quản lý có đặc tính khác nhau nhưng cung cách và bộ máy quản lý giống nhau khó có thể cho chất lượng quản lý tốt.
Sẽ có đột phá?
Nhiều năm trở lại đây, TP Hà Nội coi đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, công tác cán bộ là khâu đột phá. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng điều hành, quản lý, giải quyết các vấn đề thực tế ở địa phương. Kết quả đổi mới ở Hà Nội với hàng loạt giải pháp tích cực như luân chuyển cán bộ, cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật đã đem lại phong cách mới trong chỉ đạo, điều hành tại Hà Nội. Tuy nhiên, những đổi mới đó chưa thể khắc phục triệt để những bất cập, trở lực của bộ máy chính quyền hiện nay do thiếu hành lang pháp lý phù hợp. Đó chính là những điều mà Hà Nội mong muốn từ việc tổng kết và kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992.
Để khắc phục hàng loạt những bất cập ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, Hà Nội đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp mới. Điểm nổi bật là đề nghị tổ chức chính quyền đô thị với sự trở lại của cơ chế thủ trưởng chịu trách nhiệm toàn diện; bầu trực tiếp chủ tịch UBND, trước tiên là thí điểm cấp cơ sở; nhất thể hóa chức danh bí thư, chủ tịch và bỏ HĐND quận, huyện. Những đề xuất này đã nhận được tiếng nói đồng thuận của đông đảo cán bộ, lãnh đạo TP. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trong phát biểu mới đây cũng đồng tình với quan điểm phải phân định chính quyền đô thị và nông thôn, thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư, chủ tịch quận, huyện…
Thế nhưng, dù đã chỉ ra các giải pháp, nhưng phân tích thấu đáo để khẳng định tính khả thi của từng giải pháp, cụ thể là kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 ra sao để tạo nên những thay đổi tiến bộ thì Hà Nội vẫn chưa làm được. Nhiều đề xuất nghe tiêu đề rất hay, nhưng vẫn còn chung chung. Đây cũng là lý do khiến Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các cán bộ tổng hợp phải tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc hơn những đề xuất để thuyết phục Quốc hội sửa đổi Hiến pháp thay vì chỉ bày tỏ thái độ đồng tình hay đề xuất mang tính khái quát.
Hà Nội là một địa phương đang phải chịu ảnh hưởng từ những quy định không còn phù hợp của Hiến pháp 1992 nên sẽ có điều kiện để đóng góp sát thực cho việc sửa đổi. Hy vọng, sự đóng góp của Thủ đô vào Hiến pháp sửa đổi sẽ góp phần tạo nên sự "đột phá" trong việc củng cố, nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền địa phương. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp Hà Nội vươn lên xứng đáng với vị thế Thủ đô của cả nước, thực hiện thành công Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 mới ban hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.