Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho đi là còn mãi

Minh Ngọc| 11/03/2019 06:49

(HNM) - Những câu chuyện cảm động về cháu Hải An, cháu Vân Nhi, Thiếu tá Lê Hải Ninh hay anh Dương Hồng Quý… hiến tạng cứu người trong thời gian gần đây đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc hiến mô, tạng nhân đạo.

Anh Chu Văn Hưng, xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo. Ảnh: Hà Hiền


Gặp nhau ở tấm lòng thiện nguyện

Biết tin Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phát động chương trình “Xuân nhân ái - Cho đi là còn mãi” nhằm vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo, bà Trần Thụy Sỹ (sinh năm 1943) ở số nhà 51/33B, phố Phạm Ngũ Lão, phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) liền chống gậy đến tham gia.

Điền xong thông tin vào bản đăng ký, bà vui vẻ nói: “Ai đó còn lo lắng, e dè khi nghĩ đến việc hiến mô, tạng nhân đạo, chứ riêng tôi thì không. Có thể làm được điều gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc sống này, tôi luôn sẵn sàng”. Bà Sỹ còn cho biết thêm, gia đình bà có một người cháu mất năm 2003 tại Bệnh viện Bạch Mai, khi mới 9 tuổi. Ngay sau khi cháu qua đời, gia đình bà đã quyết định hiến xác cháu cho y học.

Hình ảnh bà Chu Thị Hạnh, thôn Lưu Khê, xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) đẩy xe lăn đưa con trai Chu Văn Hưng (sinh năm 1984) đi đăng ký hiến tạng cũng gây xúc động cho những người chứng kiến. Khi Hưng ngồi vào bàn đăng ký, bà Hạnh luôn đứng cạnh động viên, nhìn con trai bằng ánh mắt yêu thương xen lẫn tự hào. Bà Hạnh kể, Hưng bị bại liệt từ nhỏ, sau một đợt sốt cao. Dù đôi chân không thể đi, đôi tay co quắp, nói không rõ lời, nhưng Hưng vẫn luôn sống với tinh thần lạc quan, hy vọng. Hưng tự học chữ để biết đọc, tự tìm hiểu thế giới xung quanh qua các phương tiện truyền thông.

“Khi Hưng bày tỏ muốn hiến mô, tạng nhân đạo, ban đầu, tôi cho rằng con trai mình suy nghĩ viển vông. Thế nhưng, ý nguyện đó được Hưng nhắc lại nhiều lần khiến tôi phải suy nghĩ và quan tâm, tìm hiểu về hoạt động này. Nhận ra việc hiến mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp, tôi đã ủng hộ, đồng hành với con trai”, bà Chu Thị Hạnh cho hay.

Phía sau mỗi người đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo là một câu chuyện đẹp về tinh thần tương thân tương ái. Có thể kể đến như vợ chồng anh Nguyễn Phi Trường (sinh năm 1979) và chị Đinh Thùy Vân (sinh năm 1986), Khu đô thị Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cùng đi đăng ký.

Anh Nguyễn Phi Trường cho biết: “Thấy vợ bày tỏ nguyện vọng hiến tạng, tôi nghĩ, tại sao vợ làm được mà mình không làm được? Qua câu chuyện của bản thân, tôi mong muốn cộng đồng có cái nhìn cởi mở, nhân văn hơn về việc hiến mô, tạng. Bởi, nếu có sẵn nguồn mô, tạng, nhiều bệnh nhân sẽ thoát khỏi “tử thần”, nhiều gia đình vơi bớt khó khăn và chắc chắn tình trạng buôn bán nội tạng sẽ giảm đáng kể”.

Phát huy tinh thần “vì mọi người, ở mọi nơi”, hàng chục cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã đăng ký hiến mô, tạng. Trong năm 2019, các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn Hà Nội đặt mục tiêu vận động được ít nhất 300 người đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo; đồng thời thiết lập mạng lưới 500 tình nguyện viên tham gia vào hoạt động này.

Thắp lên ngọn lửa nhân ái

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Kể từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992 cho đến nay, cả nước mới có gần 3.600 ca ghép tạng, chủ yếu là ghép thận - con số quá ít so với hàng chục nghìn người đang có nhu cầu được ghép tim, gan, thận, giác mạc... Đáng mừng là những năm gần đây, phong trào hiến mô, tạng nhân đạo phát triển khá nhanh với hơn 11.000 người đăng ký trong giai đoạn 2013-2017 và gần 8.000 người đăng ký trong năm 2018. Với đà tăng này, chương trình vận động hiến mô, tạng nhân đạo được kỳ vọng sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

“Người không còn, nhưng một bộ phận của cơ thể còn ở lại đồng nghĩa với việc người hiến mô, tạng sẽ được sống cuộc đời thứ hai. Nói cách khác, hiến mô, tạng sau khi chết não là cách để nối dài sự sống, nhân lên tình yêu thương, chia sẻ giữa con người với con người. Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi mong muốn ngày càng có nhiều người hiến mô, tạng nhân đạo”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc kêu gọi.

Đồng quan điểm nêu trên, chị Hoàng Thanh Phương, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), vợ anh Dương Hồng Quý - người hiến tạng cứu sống nhiều bệnh nhân vào cuối năm 2018 chia sẻ: “Khi gặp những người được ghép tạng từ anh Quý, tôi có cảm giác gần gũi, thân thương như đứng trước người thân. Chồng tôi đã ra đi, nhưng tình người còn ở lại”.

Là một trong những người đầu tiên đi hiến máu tình nguyện, cũng là người tiên phong đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội khẳng định: “Khi có hành động, việc làm tốt đẹp, tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động mang ý nghĩa thiện nguyện, chúng ta sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn”.

Nhằm kêu gọi cộng đồng thực hiện nghĩa cử cao đẹp, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã phát động chương trình “Xuân nhân ái - Cho đi là còn mãi” đến các cơ sở hội, chi hội trực thuộc; đồng thời lồng ghép tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng với phong trào hiến máu tình nguyện và các phong trào nhân đạo, từ thiện khác. Ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tin tưởng: “Cứ bền bỉ thực hiện, chương trình hiến mô, tạng nhân đạo sẽ được cộng đồng hưởng ứng, tham gia”.

Ở cấp cơ sở, bà Nguyễn Thị Trà Liên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn cho rằng, cũng giống như phong trào hiến máu tình nguyện những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, việc triển khai chương trình hiến mô, tạng nhân đạo trong thời gian đầu sẽ gặp những khó khăn. Vì vậy, muốn chương trình hiến mô, tạng nhân đạo đi vào chiều sâu, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tuyên truyền để người dân vượt qua rào cản tâm lý, hiểu được ý nghĩa sâu sắc của việc làm này thông qua những dẫn chứng, con người cụ thể.

“Góp phần khơi dậy tinh thần nhân ái, sẻ chia trong cộng đồng, Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn sẽ triển khai chương trình “Xuân nhân ái - Cho đi là còn mãi” đến mọi người, mọi nhà. Bản thân tôi cũng đã đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo”, bà Trà Liên chia sẻ.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hiến mô, tạng nhân đạo trên phạm vi rộng. Dẫu biết việc làm ý nghĩa này sẽ gặp không ít khó khăn, song với sự đồng lòng, quyết tâm từ nhiều phía, sự ủng hộ của cộng đồng, chắc chắn chương trình sẽ thắp sáng ngọn lửa nhân ái như mong đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho đi là còn mãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.