Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ đến bao giờ?

Hải Vân| 02/12/2014 06:13

(HNM) - Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2013/NĐ-CP về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.



Tiếp đó, Bộ Nội vụ đã ban hành các thông tư hướng dẫn, tổ chức tập huấn phương pháp thực hiện cho các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Đây là việc mới, khó, nhưng có ý nghĩa quan trọng nên các địa phương, cơ quan, đơn vị đều quyết tâm thực hiện.

Tuy nhiên, điều đáng nói là không ít địa phương, đơn vị hoàn thành đề án xác định vị trí việc làm từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Nội vụ cho ý kiến. Điển hình như tại TP Hà Nội, 4 đơn vị làm điểm về xác định vị trí việc làm (quận Long Biên, huyện Đan Phượng, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường) đã tích cực thực hiện, thường xuyên trao đổi với Bộ Nội vụ trong quá trình triển khai. Song Bộ Nội vụ vẫn chưa có ý kiến trả lời về kết quả thí điểm của 4 đơn vị này dù trình đã lâu. Phải chờ đợi ý kiến của Bộ cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương, đơn vị trên cả nước. Đáng chú ý, hầu hết đơn vị sau khi xác định vị trí việc làm thì đều đề xuất tăng biên chế bởi khối lượng công việc được giao ngày càng tăng. Tuy nhiên, kết luận Hội nghị lần thứ bảy, BCH TƯ (khóa XI) khẳng định tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị.

Dẫu rằng, việc tăng hay giảm biên chế phải căn cứ vào tình hình thực tế chứ không phải cứ xác định vị trí việc làm là phải giảm biên chế. Tuy nhiên, trước thực trạng đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản đều đề xuất tăng biên chế và điều này đang "ngược" với kết luận của BCH TƯ thì Bộ Nội vụ cần sớm xem xét và cho ý kiến, nhất là trong thời điểm hiện nay, Chính phủ vừa ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế. Trên cơ sở xem xét đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, cần trao đổi kinh nghiệm để tìm ra phương án khả thi nhất, tránh để việc xác định vị trí việc làm đã chậm lại càng chậm hơn vì mất quá nhiều thời gian chờ đợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chờ đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.