(HNM) - Giành chiến thắng trong cả 3 cuộc tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Tayyip Erdogan đã ở trên đỉnh cao quyền lực trong suốt hơn một thập niên mà hầu như không gặp bất kỳ trở ngại nào
Tuy nhiên, điều kỳ diệu này khó có thể lặp lại lần thứ tư trong kỳ bầu cử diễn ra vào năm 2014 khi bất ổn xã hội tại đất nước hơn 67 triệu dân này đang có dấu hiệu gia tăng và sự chia rẽ ngày càng khoét sâu trong nội bộ đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền.
Sau làn sóng biểu tình bạo lực chống kế hoạch đô thị hóa thành phố Istanbul khiến ít nhất 6 người chết và 8.000 người bị thương hồi tháng 6 vừa qua đã khiến đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một "cuộc chiến" đường phố mới. Những ngày gần đây, cuộc xuống đường của dân chúng nhằm kêu gọi Chính phủ của Thủ tướng T.Erdogan từ chức vì những cáo buộc về tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng tại nước này ngày một gia tăng. Căng thẳng lên cao khi nhóm người biểu tình quá khích dùng gạch đá tấn công các nhân viên an ninh tại một chốt kiểm tra tại Kadikoy ngày 23-12, buộc cảnh sát đã phải dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông.
Cảnh sát dùng vòi rồng giải tán đám đông biểu tình trong ngày 23-12. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn trên được cho rằng bắt nguồn từ những cuộc "đấu đá" nội bộ của đảng AKP cầm quyền và phong trào chính trị do Giáo sĩ Fethullah Gulen đứng đầu. Đây là một trong những lực lượng ủng hộ chính, góp phần vào chiến thắng của AKP kể từ khi đảng này lên nắm quyền từ năm 2003. Thế nhưng, trong vài tháng trở lại đây, dấu hiệu rạn nứt đã xuất hiện liên quan đến việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kế hoạch đóng cửa mạng lưới các trường học tư, một nguồn thu tài chính chủ yếu của phong trào Gulen. Để trả đũa, các thành viên của phong trào này - hiện đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan cảnh sát, tòa án và tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai chiến dịch điều tra về hối lộ và tham nhũng quy mô lớn liên quan đến nhiều doanh nhân, quan chức chính phủ. 24 người đã bị bắt giữ, trong đó có con trai của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Muamer Guler, con trai Bộ trưởng Bộ Kinh tế Zafer Caglayan và Giám đốc điều hành Ngân hàng Nhà nước Halkbank. Vụ bê bối trên khiến ông M.Guler phải đệ đơn từ chức mặc dù phủ nhận sự liên quan tới nghi án của "quý tử".
Cho rằng vụ điều tra tham nhũng này là một "chiến dịch bẩn" nhằm bôi nhọ làm suy yếu Chính phủ, Thủ tướng T.Erdogan đã ra lệnh sa thải và chuyển vị trí công tác đối với khoảng 70 cảnh sát cao cấp, bao gồm cả cảnh sát trưởng thành phố Istanbul. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng các quyết định sa thải này nhằm "thanh trừng" lực lượng cảnh sát vốn là những người theo phe giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Trong khi đó, các đảng đối lập lên tiếng cáo buộc hành động của ông Erdogan là nhằm cố gắng "vớt vát" hình ảnh cho Chính phủ sau vụ bê bối trên.
Bên cạnh sự bất mãn về nạn tham nhũng và tranh giành quyền lực, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang dần mất kiên nhẫn với tình trạng kinh tế ngày càng sa sút. Tăng trưởng thấp đã khiến đồng nội tệ lira rớt giá thảm hại, đẩy đời sống của người dân vào tình thế khốn khó. Thêm vào đó là những cải cách trong hệ thống giáo dục với tư tưởng nam và nữ không được học chung một trường khiến nhiều người cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang đi ngược với sự phát triển của nhân loại, đẩy tâm lý chán nản với chính quyền càng dâng cao.
Trên thực tế, phong trào Gulen không phải là một đảng phái mà chỉ là một tập hợp mang ý nghĩa tinh thần nên không có đại diện ra tranh cử vào năm sau. Tuy nhiên, sau những gì đã xảy ra, sẽ có một lượng không ít người ủng hộ phong trào Gulen trong AKP rời bỏ chính đảng cầm quyền. Vì thế, cuộc bầu cử hội đồng địa phương tại Istanbul vào tháng 3 năm sau sẽ là phép thử lớn đối với Thủ tướng T.Erdogan và đảng của ông. Nếu không vượt qua được cuộc "sát hạch" này, uy thế của nhà lãnh đạo 59 tuổi sẽ bị xói mòn và nhiều khả năng chính AKP sẽ phải xem xét lại việc có nên cử ông T.Erdogan đại diện cho đảng này tranh cử trong nhiệm kỳ tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.