Chỉnh trang hồ Thiền Quang là cơ hội tốt để cải tạo những công trình xuống cấp, cảnh quan và không gian thiếu tính kết nối.
Đồ án thiết kế đô thị xung quanh khu vực hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng) tỷ lệ 1/500 đang thu hút ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia quy hoạch - kiến trúc.
Cần hướng tới đa mục tiêu
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, khu vực hồ Thiền Quang đã từng có dự án riêng về thiết kế các tuyến phố xung quanh. Việc UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức tái khởi động việc lập thiết kế đô thị xung quanh khu vực là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần lưu ý đến tính đặc thù của khu vực này.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, đây là khu vực có dấu ấn của các công trình di tích văn hóa trong nhiều giai đoạn lịch sử, đó là các ngôi chùa từ lâu đời; công trình Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội thuộc giai đoạn sau hòa bình lập lại.
Bên cạnh đó là khu vực liên kết với Công viên Thống Nhất, biểu tượng thể hiện mong muốn của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng về thống nhất ba miền Bắc - Trung - Nam và cũng là nơi Bác Hồ trồng cây xanh đầu tiên phát động Tết trồng cây.
Gần đây nhất, trong khu vực này đã xây dựng cụm tượng đài tôn vinh lực lượng Công an nhân dân. Trong khu vực cũng tập trung một số khu dân cư cần được quan tâm đặc biệt để đảm bảo an ninh chính trị.
“Với những đặc thù như vậy, khi lập đồ án, quận Hai Bà Trưng cần hết sức lưu tâm để lúc đưa vào khai thác sử dụng có thể đạt được đa mục tiêu chứ không chỉ nhằm tạo không gian vui chơi, giải trí. Điều quan trọng khi lập đồ án thiết kế đô thị khu vực này là cần lấy người dân làm trung tâm trong khai thác sử dụng. Đồ án được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhưng cần xác định ý kiến người dân sống trong khu vực là yếu tố cơ bản, quyết định phương án thiết kế”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
KTS Phạm Hoàng Phương, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá, đồ án đã được thực hiện bài bản và có chất lượng tốt trên cơ sở nhận diện rõ các tồn tại như thiếu tính kết nối về không gian và tính nhận diện đóng góp có hiệu quả cho bản sắc tổng thể đô thị chung. Sự xuống cấp về không gian và trang thiết bị đô thị dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu dân sinh. Từ đó, hệ thống các giải pháp từ cấp độ tổng thể đến chi tiết đã cơ bản được giải quyết đồng bộ và hiệu quả.
Tuy nhiên, theo các tiêu chí mục tiêu phát triển đô thị chung của thành phố đã đề ra cho giai đoạn phát triển tới, một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu. Đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan, để tạo dựng bản sắc kiến trúc, do không gian hồ Thiền Quang nằm gần kề với khu vực phố cũ (mặt phố Quang Trung và Nguyễn Du) với nhiều đặc điểm công trình biệt thự cũ rất đặc trưng, nhiều hình ảnh đã đi vào thơ ca nên các nội dung thiết kế đô thị cần kế thừa và phát huy có chọn lọc bản sắc kiến trúc này đối với các hạng mục công trình xây dựng, đặc biệt đối với các công trình có quy mô lớn.
Tăng mảng xanh, hạn chế bê tông hoá
Theo phương án thiết kế đang được đưa ra lấy ý kiến, sẽ có 5 quảng trường tại khu vực chỉ rộng 5ha. Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại việc này sẽ khiến cảnh quan hồ Thiền Quang bị chia nhỏ, không có điểm nhấn. Bên cạnh đó, không gian xanh cũng có nguy cơ bị biến mất, thay vào đó là tình trạng bê tông hóa quanh hồ.
“Việc này cần xem xét kỹ, mặc dù quảng trường là một loại hình không gian công cộng rất cần thiết nhưng trong một khu vực diện tích không lớn thì cần xác định trọng tâm, không nên phân tán với nhiều quảng trường như vậy. Ở đây đồ án nên quan tâm đến trục trung tâm liên kết với khu vực Công viên Thống Nhất; có giải pháp khai thác hiệu quả mặt nước hồ Thiền Quang; chú trọng đến thiết kế chiếu sáng để liên kết được các di tích văn hóa với nhau. Đặc biệt, có giải pháp liên kết với giao thông xung quanh khu vực, nhất là giao thông công cộng như bãi đỗ xe phục vụ phố đi bộ, phân luồng các tuyến buýt…”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng, việc chỉnh trang lại hồ Thiền Quang là cơ hội tốt để thành phố cũng như quận Hai Bà Trưng cải tạo những công trình xuống cấp, cảnh quan thiếu điểm nhấn và không gian thiếu tính kết nối tại khu vực. Đây cũng là mong muốn chung của người dân Thủ đô nhiều năm nay.
Tuy nhiên, theo KTS Trần Huy Ánh, đồ án thiết kế không gian đô thị quanh hồ Thiền Quang còn nhiều chi tiết cần lưu tâm bởi chưa xứng tầm trung tâm văn hóa - xã hội. Bởi, đây là không gian xanh có giá trị rất lớn, việc cải tạo không gian hồ cần hạn chế xây dựng các công trình mà phải tăng cường vườn hoa, cây xanh để nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Vì thế, đồ án nên coi cả khu vực hồ Thiền Quang là một quảng trường lớn, mà không nên chia nhỏ thành nhiều quảng trường và hạn chế xây dựng công trình bê tông, cốt thép xung quanh hồ.
Ngoài ra, do được bao quanh bởi các trục đường có giao thông cơ giới thường xuyên đi lại với mật độ cao nên phương án thiết kế bên cạnh xác định rõ một số loại hình lễ hội, hoạt động văn hoá cộng đồng sẽ được tổ chức định kỳ, xây dựng rõ các kịch bản đóng/mở một phần hay toàn bộ các tuyến giao thông.
Để gia tăng chất lượng tiện nghi sử dụng, cần nghiên cứu làm rõ và bổ sung hệ thống không gian bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, hướng tới phục vụ tổng thể chung. Điều này sẽ giúp hạn chế đối đa các tồn tại mà nhiều không gian đô thị đã gặp phải thời gian qua.
Ngoài ra, để thúc đẩy “kinh tế đêm” của khu vực, đồ án cần làm rõ thêm các nội dung kết nối, tổ chức tuyến tham quan, công trình dịch vụ quy mô vừa và nhỏ (nếu có) để phục vụ liên thông và tiện nghi cho người dân. Các nội dung về thiết kế chiếu sáng bao gồm hệ thống chiếu sáng chung đảm bảo tiện nghi, an ninh, an toàn cho người sử dụng về đêm, cũng như chú trọng đến chiếu sáng trang trí tại các vị trí điểm nhấn liên kết với hệ thống quảng trường cũng cần được lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.