Trước khi có dự án thiết kế đô thị với 5 quảng trường xung quanh, khu vực hồ Thiền Quang (Hà Nội) nhếch nhác bởi những công trình xuống cấp, cảnh quan thiếu điểm nhấn và không gian thiếu tính kết nối.
Toàn cảnh khu vực hồ Thiền Quang và phối cảnh sau khi được thiết kế lại, theo đồ án đang được UBND quận Hai Bà Trưng lấy ý kiến người dân. Hồ có diện tích khoảng 5ha, với 4 mặt bao quanh các tuyến phố: Trần Nhân Tông, Quang Trung, Nguyễn Du, Trần Bình Trọng.
Dự kiến, sau khi nâng cấp không gian, ngoài điểm nhấn là 4 quảng trường bao quanh và một quảng trường nước ở vườn hoa công viên Thống Nhất, khu vực này còn được thiết kế thêm đài phun nước ở giữa hồ và có thêm khu vực biểu diễn nhạc nước.
Ghi nhận của phóng viên sáng đầu tuần (19-2), một góc ven hồ diễn ra "phiên chợ trời" tự phát. Nhiều người mang các vật dụng, quần áo, giày dép cũ đến rao bán. Anh Tuấn, một người bán hàng cho biết, việc buôn bán này diễn ra hằng ngày, có người mang cả xe máy cũ đến đây rao bán.
Theo thiết kế mới, khu vực này dự kiến thành quảng trường Mùa Hạ, bao gồm công trình điểm nhấn, công viên cây xanh và bậc thềm để người dân có thể ngồi xem nhạc nước.
Cung Thanh niên (số 37 Trần Bình Trọng) là một trong những công trình được tách thành dự án riêng để cải tạo, dù nằm trong tổng thể khuôn viên hồ Thiền Quang. Công trình hiện xuống cấp nghiêm trọng, đã đóng cửa để chờ xây mới.
Một bên đường dẫn vào Cung Thanh niên bị phá bỏ, phần bờ tường cũng được phá dỡ để rào chắn. Dù dự án cải tạo và nâng cấp cơ sở này đã có chủ trương đầu tư từ năm 2015 nhưng công trình vẫn chưa được sửa chữa do chưa bố trí được vốn. Sắp tới, việc cải tạo công trình này bắt buộc thực hiện song song quá trình triển khai đồ án thiết kế hồ, nhằm đảm bảo đồng bộ cảnh quan.
Cụm di tích 3 chùa: Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa (đường Trần Bình Trọng) cũng được tách thành dự án riêng để tu bổ, tôn tạo. Trong tổng thể đồ án thiết kế đô thị khu vực hồ Thiền Quang, cụm di tích nằm sát quảng trường Mùa Đông.
Tuy nhiên, hiện còn nhiều hàng quán hoạt động xung quanh, do đó đơn vị tư vấn lo ngại quá trình thực hiện đồ án thiết kế, địa phương có thể gặp khó khăn trong việc sắp xếp lại dân cư quanh 3 cụm di tích này.
Đồ án thiết kế mới chia phân khu chức năng theo từng hoạt động cụ thể. Trong đó, người dân thực hiện các hoạt động "tĩnh" như câu cá, chơi cờ ở khu vực quảng trường Mùa Đông, đoạn gần ngã ba Trần Bình Trọng - Nguyễn Du. Việc câu cá ở hồ sắp tới cũng sẽ được quản lý, không để tình trạng tự phát như hiện nay.
Đối diện với hồ Thiền Quang ở phía bên kia đường Trần Nhân Tông là tượng đài Công an nhân dân. Sau khi được thiết kế lại, khu vực tượng đài này giữ nguyên, kế bên là vườn hoa và khu văn hóa nghệ thuật đa năng, nơi có quảng trường nước.
Mục tiêu của đồ án thiết kế cảnh quan khu vực hồ Thiền Quang là tạo các điểm kết nối giữa khu vực dân cư và các trung tâm văn hóa xã hội của khu vực, trong đó tận dụng lợi thế không gian mở của công viên Thống Nhất và phố đi bộ Trần Nhân Tông tổ chức vào cuối tuần.
Từ đầu tháng 2, UBND quận Hai Bà Trưng bắt đầu lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án thiết kế đô thị xung quanh khu vực hồ Thiên Quang, tỷ lệ 1/500. Các đơn vị đã tiến hành treo hồ sơ đồ án trên ở khu vực quanh hồ cũng như UBND phường Nguyễn Du để xin ý kiến cộng đồng.
Theo đồ án được đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra, khu vực quanh hồ Thiền Quang sẽ gồm 13 phân khu chức năng. Riêng phân khu văn hóa nghệ thuật đa năng có một quảng trường trung tâm. Cùng với đó, đồ án thiết kế thêm 4 quảng trường mang tên 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông xung quanh hồ.
Cụ thể, quảng trường Mùa Xuân và Mùa Hạ là nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện chính với các khoảng không gian mở để ngắm toàn cảnh hồ Thiền Quang. Quảng trường Mùa Thu có chức năng vui chơi và diễn ra các hoạt động sôi nổi, là điểm nhấn không gian ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung.
Còn lại, quảng trường Mùa Đông sẽ tổ chức các hoạt động "tĩnh" hơn, là không gian chuyển tiếp giữa không gian ven hồ và cụm di tích 3 chùa: Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.