Từ 0h ngày 4-1, cầu Văn Lang-Ba Vì chính thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Lang-Ba Vì nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32C theo hình thức BOT.
Mức thu của dự án được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 35 ngày 15-11-2016 của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, mức thu các phương tiện theo 5 nhóm, nhóm thấp nhất là 35.000 đồng/vé/lượt và nhóm cao nhất là 185.000 đồng/vé/lượt. Thời gian thu phí dự kiến của dự án khoảng 19 năm 10 tháng.
Cụ thể, giá thu các phương tiện theo các nhóm sau:
Nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) là 35.000 đồng/vé/lượt;
Nhóm 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) là 45.000 đồng/vé/lượt;
Nhóm 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn) là 55.000 đồng/vé/lượt;
Nhóm 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) là 90.000 đồng/vé/lượt.
Nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) là 185.000 đồng/vé/lượt.
(Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Giá thu phí theo tháng đối với các phương tiện theo nhóm (1), (2), (3), (4), (5) lần lượt là 1.050.000 đồng/vé/tháng, 1.350.000 đồng/vé/tháng, 1.650.000 đồng/vé/tháng, 2.700.000 đồng/vé/tháng, 5.550.000 đồng/vé/tháng.
Đối với giá theo quý các phương tiện theo nhóm (1), (2), (3), (4), (5) lần lượt là 2.835.000 đồng/vé/quý, 3.645.000 đồng/vé/quý, 4.455.000 đồng/vé/quý, 7.290.000 đồng/vé/quý, 14.985.000 đồng/vé/quý.
Cầu Văn Lang-Ba Vì được khởi công vào ngày 1-8-2016 theo hình thức hợp đồng BOT gồm 9 gói thầu xây lắp. Dự án hoàn thành và thông xe đúng vào kịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2018).
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Văn Lang-Ba Vì do Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ là nhà đầu tư thực hiện dự án; được hoàn vốn cho dự án bằng việc sử dụng trạm thu phí đặt tại Km7+160 thuộc địa phận xã Phú Cường, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Cầu Việt Trì-Ba Vì bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu xây dựng trên địa phận các xã Phú Sơn, Thái Hòa, Phú Đông, Vạn Thắng, Phú Cường của huyện Ba Vì và phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì.
Điểm đầu của dự án (phía Hà Nội) kết nối với quốc lộ 32 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Điểm cuối dự án (phía Phú Thọ) giao với quốc lộ 32C thuộc địa phận phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì.
Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46km; trong đó, chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,26 km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,55km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54km.
Sau khi đưa cầu Văn Lang vào khai thác, sử dụng, phương tiện từ thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đi Hà Nội tiết kiệm được khoảng 20km so với các tuyến đường hiện nay. Ngoài ra, người dân thành phố Việt Trì (Phú Thọ) và huyện Ba Vì (Hà Nội) qua lại không còn phải sang đò, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với chính quyền địa phương và thành phố Hà Nội về việc đổi tên cầu Việt Trì-Ba Vì thành cầu Văn Lang và đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý với đề xuất này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.